Bên trong tháp nước Hàng Đậu lần đầu mở cửa có gì đặc biệt?
Sáng 17/11, tại vườn hoa Vạn Xuân, UBND quận Ba Đình tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu”, Triển lãm "Điêu khắc Mỹ thuật", Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa quận Ba Đình”. Đây là các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, diễn ra từ ngày 17 – 26/11/2023 với chủ đề "Dòng chảy". "Dòng chảy của chúng ta là dòng chảy di sản trong thành phố sáng tạo và ngược lại là dòng chảy của sáng tạo trong thành phố di sản. Khi nói tới dòng chảy, chúng ta phải kể đến dòng sông Hồng, sông Cái... đây được xem như dòng sông mẹ gắn liền với lịch sử không chỉ với đất nước mà còn với cả Thủ đô Hà Nội hơn 1.000 năm lịch sử", ông Hồng nói thêm về chủ đề lễ hội.
Trong sáng nay, Tháp nước Hàng Đậu mở cửa đón khách tham quan sau nhiều ngày được mong chờ. Tháp nước Hàng Đậu nằm tại ngã 6 giao giữa các phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Công trình do người Pháp xây dựng vào năm 1894, nhằm phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ.
Sau nhiều thập kỷ "ngủ quên", Tháp nước Hàng Đậu được các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày "Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu". Dự án do nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện.
Nhiều người dân, khách du lịch đứng bên ngoài tỏ rõ sự tò mò, thích thú khi chờ đợi vào bên trong để chiêm ngưỡng kiến trúc và những tác phẩm nghệ thuật bên trong công trình.
Bên trong Tháp nước Hàng Đậu được cấu tạo từ 8 khoang lớn phía ngoài và 4 khoang nhỏ bên trong. Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại 6 khoang chính đại diện cho “lục thủy” theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.
Đến đây, du khách được trải nghiệm không gian nghệ thuật ấn tượng với con đường gỗ, chum âm thanh hay những tác phẩm làm từ rác tái chế. Đặc biệt, hệ sắp đặt âm thanh tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên và hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về hình ảnh hiện vật được tái chế từ rác thải đô thị. Những chiếc chum được đặt ở các khoang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hệ âm thanh sống động.
Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Qua đó, các tác giả muốn truyền tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên nhằm nhắc nhớ mỗi người cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Phương, những chiếc chum này có tuổi đời từ thế kỷ 19 - ngang Tháp nước Hàng Đậu. Thời xa xưa, người dân Bắc bộ dùng những chiếc chum này hứng nước mưa, đồng thời, những chiếc chum cũng có khả năng khuếch đại âm thanh tốt, phù hợp với ý tưởng về hệ âm thanh của nhóm nghệ sĩ. "Mỗi chiếc chum trong thác sẽ tạo ra một âm thanh của nước. Để làm điều này, nhóm sáng tạo sử dụng hệ thống bơm nước nhỏ giọt xuống những chiếc chum. Thông qua điều chỉnh tần số nước, tốc độ rơi của giọt nước, họ sẽ đem đến màn trình diễn về âm thanh sống động cho người tham quan", Họa sĩ Phương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Điệp (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi nghe tin Tháp nước Hàng Đậu mở cửa đón du khách vào tham quan, bà rất hào hứng và đến đây từ sáng để chờ được chiêm ngưỡng những kiến trúc bên trong. "Thật bất ngờ với kiến trúc chắc chắn và đẹp mắt ở bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng của khách du lịch khi đến Thủ đô Hà", bà Điệp chia sẻ.
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa đón khách tham quan từ 17/11 đến 31/12. Việc tổ chức khánh thành và phục vụ du khách tham quan Triển lãm “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu”, Triển lãm "Điêu khắc Mỹ thuật", Triển lãm ảnh “Di sản văn hóa quận Ba Đình” góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của TP Hà Nội nói chung và quận Ba Đình nói riêng. Đồng thời, khẳng định tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo trên nhiều lĩnh vực.