Pavillion “Rồng rắn lên mây” do kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp và cộng sự đến từ CA’ Library thiết kế, như một cuộc đối thoại giữa những yếu tố đương đại với vẻ cổ kính của khuôn viên công trình kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Khác với các Pavilion (công trình kiến trúc độc lập, công cộng) thông thường nhằm tạo ra điểm nhấn mang tính chất định hướng không gian cho lễ hội, Pavilion “Rồng rắn lên mây” được xây dựng với mong muốn trở thành một phần của cảnh quan Bảo tàng, không tranh chấp với kiến trúc chính mà tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Công Hiệp, tên gọi “Rồng rắn lên mây” xuất phát từ hình thái uốn lượn của công trình, là một sự liên tưởng tới trò chơi dân gian có vẻ ít nhiều đã bị lãng quên ở hiện tại. Bằng cách thiết kế và đặt tên này, các nghệ sĩ sáng tạo vừa mong muốn đem đến một sự uyển chuyển hài hòa về không gian, vừa mong muốn khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của những thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình di sản và kho tàng lịch sử đang được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Xen kẽ trong không gian Rồng Rắn lên mây là các tác phẩm sắp đặt “Tỷ lệ có phải là vấn đề?” trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 tới 1:75 và bằng các chất liệu khác nhau.
Du khách đến với Pavillion “Rồng rắn lên mây” có thể nhìn ngắm và khám phá dáng vẻ của công trình từ nhiều góc độ để hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và phong cách kiến trúc của Bảo tàng.
Bên cạnh đó, hầu hết các vật liệu xây Pavilion được tái sử dụng các tấm inox gương từ Pavilion tên là “Bến chờ” ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Việc tái sử dụng các vật liệu cũng nằm trong ý tưởng của các KTS là chuyển tải xu hướng sáng tạo tái tạo trong tương lai.
Pavillion “Rồng rắn lên mây” trong lòng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thu hút đông du khách đặc biệt là du khách quốc tế.
Pavilion “Rồng rắn lên mây” kết hợp với triển lãm các bảo tàng thu nhỏ, các trò chơi sáng tạo, triển lãm tranh màu nước...đã và đang được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
“Rồng rắn lên mây” được đánh già và kỳ vọng sẽ trở thành không gian, một địa điểm vừa vui chơi, vừa khám phá và nhìn ngắm lịch sử phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, trong đó có các em nhỏ.
Thông qua đó tiếp tục khẳng định nỗ lực, các sáng kiến, sáng tạo của cộng đồng sáng tạo Thủ đô Hà Nội nói riêng trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, sự tiến bộ của Thành phố trong việc hiện thực hóa Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo của Việt Nam và là trung tâm sáng tạo của khu vực.