Dự kiến cơ cấu tổ chức của Cơ quan MTTQ Việt Nam ở Trung ương sau sắp xếp
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, dự kiến sau sắp xếp, Cơ quan MTTQ Việt Nam ở Trung ương sẽ bao gồm các Ban, đơn vị tham mưu, giúp việc chung; Các đơn vị sự nghiệp.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCĐ về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Trong số 121 nhóm nhiệm vụ, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương được xác định có 9 nhóm nhiệm vụ phải làm như:
Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện chủ trương sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (thời gian hoàn thành là 5/5/2025);
Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị ban hành quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương (thời gian hoàn thành là 15/6/2025);
Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành hướng dẫn các địa phương: (1) Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã đồng bộ với việc sáp nhập đơn vị hành chính. (2) Chuẩn bị, tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngay sau đại hội đảng bộ cấp xã, cấp tỉnh (thời gian hoàn thành là 15/6/2025);
Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam (thời gian hoàn thành là 15/7/2025);
Xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động, chậm nhất ngày 15/8/2025; các đơn vị hành chính cấp tỉnh đi vào hoạt động, chậm nhất ngày 15/9/2025…
Theo ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ nội dung của Kế hoạch số 47-KH/BCĐ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang hoàn thiện Tờ trình trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm để việc sắp xếp bộ máy được tiến hành theo đúng tiến độ đã đề ra. Dự kiến việc sắp xếp liên quan đến bộ máy hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo theo hướng duy trì cơ quan thường trực, duy trì Đại hội, Ban Chấp hành, Điều lệ hoạt động,…
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, việc xây dựng Tờ trình liên quan tới việc sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam, sửa đổi một số điều trong Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam phải đảm bảo tính độc lập, chặt chẽ trong diễn đạt để tăng thêm sức mạnh của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương. Khi đi vào hoạt động phải đạt được mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hướng tới phục vụ doanh nghiệp và phục vụ người dân tốt hơn, bám sát địa bàn dân cư.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức ngay sau khi bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XVI
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, dự kiến, sau sắp xếp, Cơ quan MTTQ Việt Nam ở Trung ương sẽ bao gồm các Ban, đơn vị tham mưu, giúp việc chung; Các đơn vị sự nghiệp.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thành lập các cơ quan thường trực của các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc đảm bảo theo Điều lệ.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, về những nét đổi mới của MTTQ Việt Nam, sau sắp xếp, Đại hội MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tổ chức ngay sau Đại hội của mỗi cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức ngay sau khi bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XVI.
Bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới mỗi kỳ họp Quốc hội cũng có sự đổi mới thông qua việc tập trung vào những nhóm vấn đề có tính đại diện, có tính toàn quốc và có bảng thống kê đầy đủ từng nội dung.