Dự kiến ngày mai 'mổ xẻ' vụ 2 máy bay suýt 'cắt mặt' ở Nội Bài
Dự kiến ngày mai (7/7), Cục Hàng không Việt Nam sẽ họp với các bên liên quan để 'mổ xẻ' làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và trách nhiệm để xảy ra sự cố máy bay cất cánh khi chưa có lệnh, cùng thời điểm có máy bay khác đang lăn qua phía trước ở sân bay Nội Bài - Hà Nội.
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm
Tin từ Cục Hàng không cho hay, việc họp với các bên liên quan để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bài học kinh nghiệm sau sự cố điều hành bay ngày 24/6 ở sân bay Nội Bài. Khi đó, máy bay số hiệu AIQ645 (Thai Air Asia) cất cánh mà chưa được lệnh, phía trước còn một máy bay đang lăn cắt qua đường băng.
Do đó, dự kiến ngày 7/7, Cục Hàng không sẽ tổ chức họp với các bên liên quan để bình giảng, phân tích làm rõ nguyên nhân sự việc.
Trường hợp lỗi được xác định tới từ tổ bay của chuyến bay AIQ645, Cục Hàng không sẽ phải làm văn bản gửi nhà chức trách hàng không Thái Lan về lỗi của tổ bay, còn việc xử lý ra sao (nếu có) sẽ do nhà chức trách nước bạn quyết định.
Theo quy định của ngành hàng không, khi kiểm soát viên không lưu đọc huấn lệnh, tổ bay phải đọc nhắc lại để đảm bảo rằng việc nhận huấn lệnh đầy đủ, chính xác. Nếu tổ bay không nhắc lại, hoặc nhắc sai, kiểm soát viên không lưu phải tiếp tục đưa ra yêu cầu.
Tuy nhiên, thực tế sự cố trên, tổ lái chuyến bay AIQ645 đã không nhắc lại đầy đủ huấn lệnh và kiểm soát viên không lưu điều hành chuyến bay cũng không phát hiện ra thiếu sót này. Từ đây dẫn tới, dù chỉ cấp huấn lệnh lăn ra đường băng và chờ cất cánh (chưa cấp lệnh cất cánh), nhưng tổ bay AIQ645 vẫn thực hiện chạy đà cất cánh trên đường băng 11 (phải) khi phía trước còn một máy bay khác đang lăn qua đường băng.
Thậm chí, máy bay AIQ645 chạy đà cũng chỉ được kiểm soát viên không lưu phát hiện ra khi gần đạt tốc độ để cất cánh, nên nhân viên điều hành bay đã không thực hiện lệnh hủy cất cánh với chuyến bay này.
Trước đó, vào 21h20 ngày 24/6, tại sân bay quốc tế Nội Bài, sự việc diễn ra lúc khoảng cách giữa 2 máy bay tầm 1,5km. Đáng chú ý, sự cố trên xảy ra ngày 24/6, nhưng phải tới ngày 30/6 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam mới nhận được báo cáo của đơn vị cấp dưới về sự việc. Đơn vị này lập tức báo cáo Cục Hàng không, lập tổ điều tra nội bộ; tạm đình chỉ hoạt động của tổ kiểm soát không lưu để xảy ra sự cố trên.
Bộ Giao thông chỉ đạo khẩn
Chiều 6/7, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa có Công điện gửi các đơn vị hàng không về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong dịp cao điểm hè.
Ông Thắng dẫn báo cáo 6 tháng đầu năm cho thấy, ngành hàng không xảy ra 41 sự cố, 1 vụ tai nạn, giảm 9 sự cố so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngày 24/6 vừa qua đã xảy ra sự cố không lưu nghiêm trọng về vi phạm khoảng cách tối thiểu giữa 2 máy bay trong quá trình cất cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Bên cạnh đó, gần đây cũng liên tiếp xảy ra vụ việc lốp máy bay bị hỏng do lăn phải đinh, vật ngoại lai dẫn tới hư hỏng. Các sự cố trên đều nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hàng không.
Nhằm nâng cao chỉ số an toàn và tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân các sự cố, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời; kiểm tra, giám sát, xử lý các đơn vị về chấp hành quy định trong an toàn hàng không…
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được yêu cầu kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý mọi yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động điều hành bay; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố hoạt động bay theo quy định; khi có tình huống đột xuất hoặc các sự cố, vụ việc xảy ra phải kịp thời báo cáo.
VATM cũng phải tiến hành bình giảng sự cố 2 máy bay “cắt mặt” ở sân bay Nội Bài đối với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm, không để xảy ra các vụ việc, sự cố tương tự và báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 15/7.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được yêu cầu làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không; xử lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không vi phạm; tăng cường kiểm tra đường băng, đường lăn sân bay để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, phát hiện và thu dọn vật ngoại lại đảm bảo an toàn khai thác…