Dự kiến sơ tán gần 30.000 người tránh bão số 1
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dù Ban chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Sáng 17/7, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An để chỉ đạo ứng phó với bão số 1.
Khả năng cao bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Dù Ban chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Không có gì là chắc chắn, dự báo vẫn là dự báo".
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão.
Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước có thể, quyết tâm không để có thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản trước, trong và sau bão.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận - chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết để ứng phó với bão số 1, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7, Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17/7.
Đồng thời, các địa phương khác sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Theo ông Luận, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30.000 người.
Ông Luận cho biết: "Tính đến 18h ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số hơn 17.000 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo. Toàn bộ khách du lịch đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền”.
Ngoài ra, đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn.
Thông tin thêm về tình hình cơn bão số 1, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: “7h sáng nay, bão số 1 đang mạnh cấp 11-12, giật cấp 15 và đang cách bán đảo Lôi Châu 310km về phía Đông Đông Nam”.
Theo dự báo của Nhật, dự báo bão đi vào từ nam đồng bằng Bắc Bộ kéo dài lên tới Quảng Tây (Trung Quốc). Dự báo của Mỹ thì vùng đổ bộ là từ Hải Phòng đến Quảng Tây.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ giờ đến chiều, bão duy trì cường độ cấp 11-12, có thể tăng thêm cấp, hướng về bán đảo Lôi Châu. Sau khi qua Trung Quốc, do gặp ma sát, bão giảm 1-2 cấp khi vào vịnh Bắc Bộ.
Khả năng cao bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh và có hoàn lưu rộng nên phạm vi ảnh hưởng bao trùm cả Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
Điều chỉnh lịch bay phù hợp với diễn biến bão
Về công tác ứng phó với diễn biến của bão, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, bão có thay đổi về tốc độ, đang mạnh lên và hướng đi có thể đổi một chút. Tuy nhiên, diễn biến của bão thì chúng ta theo rất sát các dự báo, đây là những thuận lợi trong việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thực tế qua quá trình kiểm tra tại 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Trung tướng Bình cho biết, tình trạng chung ở một số tỉnh phía Bắc là một số công trình phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai từ đợt trước vẫn đang làm, nhiều điểm sạt lở vẫn đang khắc phục, phần nào vẫn chưa xong.
“Sắp tới đây bão vào thì tôi cho rằng gió không mạnh lắm nhưng hoàn lưu bão tương đối rộng và sẽ gây mưa rất lớn”, ông Bình nói.
Về phía Bắc cơ bản địa hình dốc, một số điểm sạt lở chưa xong, tới đây mưa nhiều sẽ gây sạt lở ngay chính khu vực đang khắc phục. Chính vì vậy, ông Bình khuyến nghị các địa phương phải có cái phương án mà cảnh báo, có phương án nếu tiếp tục sạt lở.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, đối với từng lĩnh vực, thứ nhất, về hàng không thì dự kiến sân bay Cát Bi và sân bay Vân Đồn sẽ bị ảnh hưởng. Các sân bay như Nội Bài, Thọ Xuân, Điện Biên sẽ bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Các cảng hàng không này đang triển khai kế hoạch ứng phó và điều chỉnh lịch bay tuyến bay cho phù hợp với diễn biến của cơn bão cũng như công tác ứng phó tại các nhà ga, chằng chống nhà xưởng, kho thiết bị và các cái máy bay neo đậu.
Thứ hai là về đường bộ và đường sắt thì các khu quản lý đường bộ và đường sắt ở miền Bắc và miền Bắc Trung bộ đang triển khai công tác ứng phó. Triển khai phương án dừng tàu thì có bão rồi xử lý sự cố, điều tiết giao thông, các cái đoạn sạt lở, ngập nước rồi chuyển tải hàng hóa, hành khách và đảm bảo thông tuyến kịp thời.
Về hàng hải và đường thủy thì dự kiến các cái khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên thì hiện nay các lĩnh vực đang được triển khai ở cả nước để điều tiết tàu thuyền ở trên biển.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải chia sẻ đã triển khai liên lạc trực tiếp với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp an toàn theo phương án tránh bão đã được phê duyệt.