Dự kiến sự kiện nổi bật trong nước và thế giới tuần từ 15/3 đến 21/3

CSGT tổng kiểm tra lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy; tòa tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... là những sự kiện đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần này.

Trong tuần từ 15/3 đến 21/3, nhiều sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế sẽ diễn ra.

Ủy Ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 54

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp trong 1 ngày (15/3) để xem xét, cho ý kiến về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020.

Tổng kiểm tra lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy

0h ngày 15/3, Cục CSGT bắt đầu ra quân thực hiện cao điểm và chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc đồng loạt xử lý lái xe vi phạm ma túy, nồng độ cồn.

CSGT sẽ tập trung kiểm tra trên các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy...

Đáng chú ý, kế hoạch này sẽ được thực hiện từ nay cho đến hết năm 2021.

Tuyên án bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Cũng trong ngày 15/3, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch PVC) cùng 10 bị cáo khác trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ.

Sau 5 ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm (8-12/3), đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa sơ thẩm phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 12-13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp với các bản án trước đó là 30 năm tù.

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 12-13 năm tù.

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 12-13 năm tù.

Cùng tội danh trên, bị cáo Vũ Thanh Hà bị đề nghị tuyên 7-8 năm tù, Trần Thị Bình 2-3 năm tù, Nguyễn Xuân Thủy 3-4 năm tù, Phạm Xuân Diệu 5-6 năm tù, Nguyễn Ngọc Dũng 4-5 năm tù, Đỗ Văn Quang 3-4 năm tù. Các bị cáo Khương Anh Tuấn, Lê Thanh Thái và Hoàng Đình Tâm cùng bị đề nghị tuyên 30-36 tháng tù.

Về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị áo Đỗ Văn Hồng 6-7 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó đã bị tuyên là 19-20 năm tù.

Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh là người duy nhất bị truy tố về cả hai tội danh nêu trên. VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh 11-12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", 10-11 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù.

Thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac

Ngày 15/3, vaccine COVID-19 "made in Việt Nam" Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, sản xuất sẽ tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ở giai đoạn này, tình nguyện viên tham gia nghiên cứu gồm 120 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-59, cả nam và nữ. Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi/0,5ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Giai đoạn 2 được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu giai đoạn này gồm 300 người khỏe mạnh, độ tuổi 18-75 (trong đó tuổi 60-75 chiếm khoảng 1/3), cả nam và nữ.

Covivac được nghiên cứu, sử dụng công nghệ bằng việc nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Quá trình nghiên cứu, Ivac sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine.

Công bố thông tin phát triển và quy hoạch điện mặt trời

Tuần này, Bộ Công Thương dự kiến sẽ cung cấp thông tin về phát triển và quy hoạch điện mặt trời.

Bộ Công Thương mới đây có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, có một điều đáng chú ý là việc phân bổ công suất nguồn điện giữa các vùng, tiểu vùng và tỉnh thành phố, theo dự thảo quy hoạch.

Hiện nay, các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam sẽ gây ra dư thừa điện lớn. Đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Công suất đăng ký tại Nam Trung Bộ là 38 GW, lớn hơn gấp 7 lần phụ tải tại chỗ (5 GW).

Nếu tất cả các nguồn đăng ký đầu tư đều được phê duyệt thì tổng công suất nguồn điện toàn quốc sẽ đạt khoảng 220 GW (dư 162%) và năm 2045 là 150 GW (dư 47%).

Do vậy, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng. Lượng công suất nguồn còn lại có thể được xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.

Bà Aung San Suu Kyi hầu tòa lần 2

Cố vấn Myanmar Aung San Suu Kyi.

Cố vấn Myanmar Aung San Suu Kyi.

Sau 15 ngày diễn ra phiên tòa đầu tiên xét xử Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, ngày 15/3, bà sẽ phải ra tòa lần 2 để xét xử các cáo buộc mới.

Cố vấn Nhà nước Myanmar bị cáo buộc vi phạm luật hình sự từ thời thuộc địa, cấm đăng tải thông tin có thể gây sợ hãi hoặc báo động.

Bà San Suu Kyi từng bị cáo buộc vi phạm luật thảm họa quốc gia và luật xuất nhập khẩu của Myanmar. Hiện các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Myanmar nhằm phản đối quân đội tiếp quản quyền lực.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2 đến 13/3, Myanmar ghi nhận hơn 80 người chết và hơn 2.100 người bị bắt giữ liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, theo hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Chỉ riêng ngày 13/3, có ít nhất 13 người chết trong khi biểu tình. Theo lời các nhân chứng, 5 người bị bắn chết và một số người bị thương khi cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc

Ngày 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Alaska. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa lãnh đạo hai nước thời kỳ chính quyền Tổng thống Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên tiếp tục căng thẳng, Mỹ tiếp tục áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, liên tục ra các lệnh trừng phạt doanh nghiệp và thương hiệu Trung Quốc, căng thẳng quan điểm đối ngoại tại các điểm nóng thế giới như biển Đông…

Mặc dù cuộc gặp ngày 18/3 tới có thể là khởi đầu cho những cuộc gặp trong tương lai nhưng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên này giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức được cho là không thể tạo ra bất kỳ giải pháp đáng kể nào cho những căng thẳng hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.

Nguyễn Huệ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/du-kien-su-kien-noi-bat-trong-nuoc-va-the-gioi-tuan-tu-15-3-den-21-3-ar600981.html