Dự kiến tăng phí sát hạch lái xe từ 10-20%
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Đáng chú ý, theo dự thảo Thông tư, mức phí sát hạch lái xe sẽ tăng từ 10-20%.
Điều chỉnh mức phí sát hạch để nâng cao chất lượng
Theo Bộ Tài chính, mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC được ban hành trên cơ sở giữ nguyên mức thu quy định tại Thông tư 23/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Do đó, sau 9 năm thực hiện, mức thu phí sát hạch lái xe đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại vì đã có rất nhiều biến động về giá, như: mức lương tối thiểu tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.490.000 đồng; nhiên liệu; giá vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công việc thu phí từ năm 2013 đến nay đã tăng đáng kể.
Ngoài việc các chi phí quản lý chung đã tăng, trong thời gian qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động sát hạch lái xe đã có bổ sung, sửa đổi nhiều quy định mới yêu cầu về hiện đại hóa để nâng cao chất lượng công tác sát hạch, như: quy định lắp đặt thiết bị sát hạch trên xe sát hạch đường trường, xây dựng thêm bài sát hạch “ghép ngang vào nơi đỗ đối với hạng B1, B2”, lắp đặt hệ thống camera giám sát nội dung sát hạch lái xe trên sân sát hạch, quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; quy định trung tâm sát hạch lái xe phải đầu tư thiết bị để cài đặt phần mềm sát hạch lái xe mô phỏng và thực hiện sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ ngày 01/6/2022. Vì vậy, cần điều chỉnh tăng mức thu phí và bổ sung quy định thu phí đối với hoạt động sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Đồng thời, việc quy định với mức chi trả “không quá 80% tổng số tiền phí thực thu được” tại Thông tư 188/2016/TT-BTC phát sinh nhiều bất cập như: Sở GTVT gặp khó khăn trong công tác lựa chọn trung tâm sát hạch cung cấp dịch vụ cho thuê cơ sở vật chất để tổ chức sát hạch lái xe; không thống nhất mức chi trả trong cùng một địa bàn cũng như trên phạm vi toàn quốc; với trung tâm sát hạch là đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê cơ sở vật chất tổ chức sát hạch cho học sinh của nhiều cơ sở đào tạo dẫn đến người dân phải chờ đợi mới được thi sát hạch,... Với các căn cứ trên, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh tăng mức thu phí sát hạch lái xe là rất cần thiết.
Quản lý và sử dụng phí thế nào?
Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh tăng mạnh mức phí sát hạch lái xe từ 10-20% so với mức thu phí hiện hành. Cụ thể, đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4) phí sát hạch lý thuyết sẽ là 60.000 đồng/lần thay cho mức 40.000 đồng/lần hiện nay; phí sát hạch thực hành sẽ là 70.000 đồng/lần thay cho mức 50.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), phí sát hạch lý thuyết từ 90.000 đồng/lần tăng lên mức 100.000 đồng/lần; phí sát hạch thực hành trong hình từ 300.000 đồng/lần tăng lên mức 350.000 đồng/lần; phí sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng là 80.000 đồng/lần thay cho mức 60.000 đồng/lần như hiện hành. Dự thảo cũng bổ sung mức phí sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông 100.000 đồng/lần.
Dự thảo cũng nêu rõ, mức thu phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ được áp dụng thống nhất trên cả nước khi cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương hay địa phương quản lý) tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại). Đơn vị tổ chức thu phí, lệ phí là Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí dự thảo quy định chậm nhất là ngày thứ năm hàng tuần, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán phí năm. Đối với người nộp phí, lệ phí sẽ thực hiện nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện nộp số tiền phí thu được theo tỷ lệ quy định tại Thông tư này và 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước (NSNN) theo chương, tiểu mục của mục lục NSNN.
Trong công tác quản lý và sử dụng phí, dự thảo Thông tư quy định tổ chức thu phí không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thu được thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động sát hạch, thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì được trích để lại 75% trên tổng số tiền phí sát hạch thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp NSNN 25% tiền phí thu được. Tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải cho phép sát hạch lái xe mô tô tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ thì tổ chức thu phí được trích để lại 40% trên tổng số tiền phí sát hạch thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp NSNN 60% tiền phí thu được.
Số tiền được trích để lại, tổ chức thu phí quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Và sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết năm, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào NSNN.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-kien-tang-phi-sat-hach-lai-xe-tu-10-20-post464034.html