Dự kiến tháng 10 ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cho biết, dự kiến có thể trong tháng 10 sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
Tại buổi tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường giai đoạn mới” do câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức, nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động Hội đồng trường tiếp tục được các đại biểu trao đổi, thảo luận. Từ đó, đề ra các hướng giải pháp nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của Hội đồng trường trong nhiệm kỳ mới.
Không có chuyên môn về tài chính, Hội đồng trường “kí không dám kí, biểu quyết không dám biểu quyết”
Thạc sĩ Trần Ngọc Định - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội đặt vấn đề về bộ phận giúp việc cho Hội đồng trường.
Cụ thể, Thạc sĩ Trần Ngọc Định nhận định, phạm vi thẩm quyền của Hội đồng trường có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, đầu tư công mà Hội đồng trường phải thẩm tra, xem xét, quyết định, giám sát. Tuy nhiên việc thành lập, hoạt động của các Ban/bộ phận chuyên môn giúp việc cho Hội đồng trường ở lĩnh vực này chưa có cơ chế rõ ràng, gồm cả vấn đề về nguồn lực tài chính, ngân sách, vấn đề thuê chuyên gia/đơn vị bên ngoài cho ý kiến thẩm định để quyết định.
Bên cạnh đó, công tác giám sát của Hội đồng trường chủ yếu do các thành viên trong trường (phần lớn là trưởng các đơn vị) thực hiện. Việc tham gia của các thành viên bên ngoài trường do điều kiện công tác còn tương đối hạn chế. Các vấn đề về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực kiểm tra, giám sát cũng là vấn đề cần giải quyết.
Cùng chung trăn trở, Phó giáo sư, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y tế Công cộng bày tỏ:
“Làm thế nào để đảm bảo Hội đồng trường có tính độc lập tương đối với đơn vị điều hành là Ban giám hiệu?”.
Một bất cập khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường.
“Làm sao có khuyến nghị để nhiệm kỳ 2025-2030 tới đây, Chủ tịch Hội đồng trường tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải đều là Bí thư Đảng ủy, như vậy chúng ta mới bàn được những quyết sách lớn của giáo dục đại học Việt Nam.
Như vậy, để chuẩn bị cho Hội đồng trường nhiệm kỳ mới, các trường hiện nay Bí thư đảng ủy chưa là Chủ tịch Hội đồng trường cần chú trọng gắn quy hoạch với đề án nhân sự đại hội để Bí thư đảng ủy là Chủ tịch Hội đồng trường”, Tiến sĩ Lê Văn Nho - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng nêu đề xuất tại tọa đàm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hồng Đức cũng chia sẻ, từ thực tiễn cho thấy việc Chủ tịch Hội đồng trường chưa phải là Bí thư đảng ủy dẫn đến khá nhiều khó khăn, bất cập trong điều hành.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư Lê Viết Báu cũng nhắc đến vấn đề bất cập trong xây dựng danh mục vị trí việc làm, chức danh tiêu chuẩn từng vị trí và xếp lương.
“Trong Luật 34 đã quy định có chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Thư kí Hội đồng trường. Nhưng khi chúng tôi xây dựng danh mục vị trí việc làm, Sở Nội vụ lại nói Thông tư số 04/2024/TT-BGDĐT (hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập) chỉ có chức danh Chủ tịch Hội đồng trường đại học/Học viện, mà không đề cập tới các chức danh này, vì vậy không có căn cứ để xây dựng”, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức nêu bất cập.
Cũng là một trường đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y khoa Vinh nêu băn khoăn khi hiện nay nhà trường đang có sự “vênh” về nhiệm kỳ của Đảng ủy (2020-2025) và nhiệm kỳ của Hội đồng trường (2021-2026).
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm cũng chia sẻ khó khăn khi các thành viên Hội đồng trường không có chuyên môn về các vấn đề thẩm tra tài chính, tài sản phức tạp, dẫn đến việc “kí không dám kí, biểu quyết cũng không dám biểu quyết”.
Làm sao để tránh tính trạng giám sát kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Chia sẻ với những khó khăn trong vận hành Hội đồng trường của các đơn vị, trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gợi mở nhiều giải pháp, hướng dẫn các cơ sở tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, đối với hoạt động giám sát của Hội đồng trường, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc nhấn mạnh, hoạt động giám sát phải bám chặt chẽ theo trách nhiệm thẩm quyền của Hội đồng trường, quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Luật 34.
Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc gợi ý thực hiện hoạt động giám sát theo chỉ tiêu. Đối với giám sát tài chính, nếu Hội đồng trường xét thấy báo cáo tài chính có vấn đề, có thể tiến hành giám sát chuyên đề, thậm chí khuyến nghị với cơ quan chủ quản để có thanh tra, kiểm tra.
Điều này giúp Hội đồng trường đảm bảo được tính độc lập với bộ máy điều hành của Hiệu trưởng, từ đó tránh tình trạng người “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đối với vấn đề danh mục vị trí việc làm và đề án việc làm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc thừa nhận thực tế đang có sự “vênh” nhau, khi Luật 34 giao cho Hội đồng trường quy định về danh mục vị trí việc làm, nhưng đề án việc làm lại do cơ quan quản lý trực tiếp xây dựng.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta trực thuộc nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau, do đó cũng có sự khác nhau về việc phân cấp, phân quyền với nội dung này. Hiện vẫn còn một số cơ quan quản lý chưa thực hiện phân cấp, phân quyền cho Hội đồng trường xây dựng đề án việc làm do lo ngại việc ‘bùng lên” số lượng người lao động.
Với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cho hay hiện Bộ đã giao cho Hội đồng trường các cơ sở thực hiện xây dựng đề án việc làm.
Đối với các đơn vị còn các vướng mắc liên quan đến cơ quan chủ quản như về tài chính, hay việc nhất thể hóa Bí thư đảng ủy với Chủ tịch Hội đồng trường theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW,... Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc gợi mở các đơn vị làm báo cáo kiến nghị gửi cơ quan chủ quản, trong đó làm rõ các vấn đề về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn từ các cơ sở giáo dục trực thuộc bộ, ngành khác. Từ đó, có đề xuất, kiến nghị với cơ quan chủ quản thực hiện theo.
Cuối cùng, đối với vấn đề “vênh” giữa nhiệm kỳ Hội đồng trường và nhiệm kỳ Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ cho biết có 2 hướng xử lý.
Hướng thứ nhất, nếu cơ quan quản lý cấp trên nhìn ra vấn đề vênh về nhiệm kỳ sẽ có tác động, ảnh hưởng đến các đơn vị của mình thì các Ban cán sự Đảng, Đảng ủy cấp trên sẽ có nghị quyết định hướng về điều chỉnh nhiệm kỳ, và một số Bộ đã làm việc này.
Hướng thứ 2, phổ biến hơn đó là “đến cái gì làm cái đó”. Khi quy hoạch, bổ nhiệm quyết định nhân sự, căn cứ theo hiệu lực của nhiệm kỳ tại thời điểm đó để thực hiện.
Cùng trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về việc sắp xếp lại hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân đảm bảo hài hòa, thầy Khuyến cho rằng các trường nghiên cứu, vận dụng vào cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết Hiệp hội sẽ ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm để tiếp tục có bổ sung, báo cáo tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
“Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường, sáng tạo hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các địa phương”, trích bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.
Dự kiến tháng 10 sẽ ban hành Nghị định 99 mới
Thông tin tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cho biết, dự kiến có thể trong tháng 10 sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
“Trong phạm vi của mình, Nghị định 99 mới sẽ khắc phục một số điểm hạn chế trong triển khai tự chủ đại học, chủ yếu liên quan đến quy trình thủ tục”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch tài chính sẽ có báo cáo Chính phủ đến năm 2025 sửa Luật 34 để tháo gỡ khó khăn, mở đường cho tự chủ đại học phát triển.
Một số hình ảnh khác tại buổi tọa đàm: