Dự kiến tiêm vaccine cho trẻ từ lứa tuổi cao xuống thấp
Bộ Y tế dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn. Việc này sẽ được thực hiện từng bước một cách thận trọng.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề cập tại cuộc họp về tình hình nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 diễn ra chiều 13/10.
Vừa tiêm, vừa đánh giá an toàn
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết cơ quan chuyên môn đang dự kiến kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước đã đề nghị nước bạn sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để thẩm định.
Ngoài ra, Việt Nam đã có chủ trương mua vaccine để tiêm cho trẻ em. Cụ thể, Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer để mua thêm 20 triệu liều cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp.
Ngành y tế đang lên kế hoạch để tiêm chủng khi vaccine về đến Việt Nam. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về tiêm vaccine cho vị thành niên.
“Dự kiến khi triển khai, có thể tiêm cho lứa tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn. Trong quá trình triển khai tiêm, các chuyên gia và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ”, ông Thuấn khẳng định việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em sẽ được hiện từng bước, thận trọng.
Trước đó, tại cuộc họp về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022 chiều 12/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết dự kiến ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Ông Tuyên thông tin Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.
“Cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine cho trẻ?
Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết việc theo dõi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em được tiến hành như tất cả các loại vaccine khác (sởi, viêm não, cúm mùa…) với các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.
Theo thông tin mới cập nhật, trước mắt, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, còn việc triển khai một hay các loại vaccine khác bổ sung thì phụ thuộc vào quyết định của Bộ Y tế trên cơ sở hồ sơ đầy đủ và hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine.
“Hiện chỉ mới có vaccine Pfizer được FDA Hoa Kỳ phê duyệt đầy đủ để tiêm cho trẻ em từ 12-18, một số vaccine khác được phê duyệt theo hình thức khẩn cấp”, BS Thái nói và cho biết liều dùng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-17 tuổi sẽ tương tự liều dùng với người lớn.
Ở Việt Nam, có hơn 8 triệu trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Theo ông Thái, việc sàng lọc những trường hợp trẻ có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine hay bất kỳ dị nguyên nào khác là rất quan trọng. Các trường hợp này vẫn cần khuyến cáo đưa vào cơ sở y tế đủ điều kiện cấp cứu để tiêm. Các trường hợp còn lại có thể tiêm ở trạm y tế hoặc các điểm tiêm lưu động khác. Tinh thần chung là tất cả các loại vaccine đều phải thận trọng, không riêng vaccine Covid-19.
Theo ông Thái, có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Ngoài ra, sau tiêm vaccine có thể có triệu chứng bất thường nhưng trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn và các em không nghĩ rằng nguyên nhân là vaccine.
“Khi tiêm vaccine, cơ thể tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân bị mệt. Nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vaccine Covid-19 về, người lớn phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe”.