Đủ kiểu dạy kỹ năng sống cho học sinh
Kỹ năng sống được nhắc đến nhiều và trở thành một hoạt động giáo dục thường xuyên trong các trường phổ thông nhưng thực trạng giảng dạy và hiệu quả ra sao lại chưa có thước đo
Vụ việc 3 học sinh (HS) mầm non bị bỏng nặng vì học kỹ năng thoát hiểm vừa qua ở Hà Nam như thêm một câu hỏi lớn: Phải chăng khi hậu quả xảy ra, chúng ta mới nhìn lại hiện nay, từ phương pháp, chương trình đến giáo viên giảng dạy kỹ năng sống (KNS) đều có vấn đề?
Lệch lạc về khái niệm
Tháng 8-2015, dư luận cả nước ngỡ ngàng khi sách "Thực hành KNS cho học sinh lớp 1" của một tác giả dạy HS bài học về lòng dũng cảm bằng cách đi qua thảm thủy tinh. Chưa hết, bài học về lòng dũng cảm còn có phần mô tả HS lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra, sau đó tự thoa thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại. Theo tác giả, trẻ em hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sự sợ hãi. Nhóm tác giả lý giải đó là những kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn…
Rất may, trước những phản ứng của phụ huynh và các nhà giáo, NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi hàng loạt sách dạy KNS có những bài học phản cảm như trên.
Theo các chuyên gia giáo dục, các sách dạy KNS đang bán tràn lan đều được viết dựa theo quan niệm, kinh nghiệm của mỗi tác giả. Chính vì thế, không ít cuốn sách "đánh" vào tâm lý của phụ huynh là muốn con giỏi, thông minh nên có những cái tên rất "kêu", rất thu hút như giáo dục kỹ năng tư duy hay những bài học tự cổ vũ bản thân, ai cũng tài giỏi…
Sở dĩ có điều này là vì nhiều tác giả hiện nay hiểu nhầm trẻ em là người lớn thu nhỏ nên đã lấy những quan niệm của người lớn về áp dụng và giảng dạy HS, do đó nhầm lẫn kỹ năng và thái độ, hành vi. Theo ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường ÐH Sài Gòn - UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) - định nghĩa KNS là kỹ năng hình thành các hành vi tích cực và thích nghi, cho phép mỗi cá nhân ứng phó hiệu quả với các đòi hỏi và thách thức của cuộc sống hằng ngày; nói cách khác là năng lực tâm lý xã hội… KNS có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng. Các kỹ năng này có thể xếp thành 3 nhóm: kỹ năng nhận thức, kỹ năng làm việc với người khác và kỹ năng hiểu được chính mình.
Giáo viên thiếu, chương trình "nghèo"
Bắt đầu từ năm học 2010-2011, chương trình KNS được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ÐT) triển khai từ bậc tiểu học và gợi ý đây là môn học mở, tùy điều kiện từng trường để áp dụng. Đến nay, chương trình đã triển khai rộng khắp từ bậc mầm non đến THPT.
Tại TP HCM, theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ÐT TP, quy định của sở là tất cả đơn vị trường học trong năm học phải đưa giáo dục KNS vào một trong những hoạt động bắt buộc của buổi học thứ hai (đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày), đồng thời đưa vào kế hoạch hoạt động của đơn vị để sở phê duyệt vào mỗi đầu năm học. Khi thực hiện ký kết với các đơn vị đào tạo, trường học cần quan tâm và bảo đảm 3 yếu tố: tính pháp lý của đơn vị hợp tác - được cấp phép hay chưa, đội ngũ giáo viên và chất lượng chương trình đào tạo.
Quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay ở các trường, giáo dục KNS mới chỉ dừng lại ở hình thức mỗi nơi mỗi kiểu, nơi hào hứng, nơi lại kêu khó. Khó khăn lớn nhất của các trường là không có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp giảng dạy, hầu hết là kiêm nhiệm. Chính vì kiêm nhiệm nên nhiều hoạt động chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa".
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD-ÐT quận Tân Phú phụ trách bậc tiểu học, quận cũng mới đưa hoạt động dạy KNS vào các trường trong 3 năm trở lại đây. Điều thuận lợi là được lựa chọn đơn vị giảng dạy từ một trong các trung tâm đã được Sở GD-ÐT TP HCM thẩm định và cấp phép từ giáo viên đến giáo trình. Nội dung giảng dạy cơ bản đáp ứng được các yêu cầu từ thực tế của HS trên cơ sở xây dựng các tình huống xảy ra và cách giải quyết các tình huống đó.
Thế nhưng, hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. "Ðó là thời lượng chương trình quá ít, chỉ 1 tiết/tuần. Vì thế, nhiều trường chọn cách dạy tập trung, mà dạy với số lượng quá đông, từ 200-300 HS, thì rõ ràng hiệu quả sẽ không như mong muốn" - ông Khiêm băn khoăn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/du-kieu-day-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-20190826223624848.htm