ĐỦ KIỂU DẠY KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH: Học thì có học, thiếu vẫn thiếu!

Số tiết học quá ít, nội dung nghèo nàn; hầu hết các trường giảng dạy theo hình thức chuyên đề, tập trung khiến hiệu quả của các hoạt động giáo dục kỹ năng sống không cao

Theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, khó khăn lớn nhất khi dạy kỹ năng sống (KNS) hiện nay là dù có chương trình, giáo viên nhưng điều kiện thực hành không có. Học không đi đôi với hành khiến học sinh (HS) vẫn thiếu và yếu nhiều kỹ năng, khó ứng phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống.

Nhiều trường phải dạy "chay"

Anh Lê Hồng Phong, có con học mầm non tại quận Thủ Ðức, TP HCM cho biết trong trường các cô dạy con bài "một ngày làm nông dân" thế nào, mục đích là ngợi ca, trân trọng những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả làm ra hạt gạo. Nhưng thực tế, lại chỉ là những hình ảnh minh họa lấy từ internet. Hay như chuyên đề dạy trẻ biết yêu thương động vật, thiên nhiên cây cỏ xung quanh nhưng giáo viên chỉ đứng lớp mô tả bằng lời nói thì rất khó để trẻ tiếp thu và vận dụng những bài học đó.

Khó khăn về cơ sở vật chất dẫn đến thiếu điều kiện thực hành, nhà trường phải dạy "chay" khiến nhiều phụ huynh phải tìm đến các trung tâm giảng dạy KNS bên ngoài để tìm một môi trường trải nghiệm thực tế cho con. Chị Phan Thanh Nga, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM cho hay chị đăng ký một khóa học trải nghiệm cho con ở các địa điểm như Long An, huyện Cần Giờ, hay về Củ Chi… ở đó con biết được bùn đất thực tế là thế nào, hay cách ứng phó nếu chẳng may đến một nơi lạ mà lạc mất ba mẹ thì phải làm sao?

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để giảng dạy KNS cho HS hiệu quả, phải là sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Chẳng hạn như ở trường, giáo viên dạy HS kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả, nhưng về nhà cha mẹ lại dùng smartphone vô tội vạ thì lại phản tác dụng, trẻ con không biết nghe theo bên nào. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD-ĐT) quận Tân Phú, TP HCM, khó khăn khi dạy KNS vẫn là do nhận thức từ cha mẹ các em. "Ði học là được cho con nhưng thay vì sự tự nguyện, phụ huynh lại phân vân đó là hình thức bắt buộc nên có nhiều người không mặn mà" - ông Khiêm nói.

Học sinh thực hành kỹ thuật sơ cấp cứu từ chuyên gia nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh thực hành kỹ thuật sơ cấp cứu từ chuyên gia nước ngoài Ảnh: TẤN THẠNH

Giáo viên cũng cần có KNS

Đánh giá tầm quan trọng của thực hành KNS, cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho rằng giáo dục KNS không phải là thứ ngày một ngày hai có thể hình thành và nhuần nhuyễn được. Thậm chí phải lặp đi lặp lại, là một hành trình giáo dục lâu dài chứ không thể chỉ qua một vài chuyên đề là đủ. Bên cạnh đó, chính giáo viên cũng cần được tập huấn, trang bị về KNS cho mình để khi tình huống nào xảy ra cũng có thể giảng dạy cho HS, giảng dạy suốt cả năm học.

Tại ngày hội "Kỹ năng mạnh mẽ cho HS tiểu học" do Sở GD-ÐT TP HCM tổ chức mới đây, ông Trần Nguyên Thục, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ÐT TP HCM, cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị cho HS các kỹ năng là vô cùng cần thiết. Theo ông Thục, làm sao vừa chơi vừa học, đồng thời tăng tính thực tiễn thực hành, tương tác nhiều hơn. Ðưa ra nhiều tình huống cụ thể, xử lý tình huống cụ thể thì HS nhận thức vấn đề dễ dàng hơn nhiều.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức trang bị nhiều kỹ năng thực hành xã hội cho HS. Chẳng hạn, như "Trại khởi nghiệp" dành riêng cho HS lớp 10 nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó và hình thành những ký ức đẹp khi các HS đầu cấp bước vào ngôi trường mới. Bên cạnh đó, các chuyên đề trang bị kỹ năng thực hành xã hội cũng vừa được tổ chức liên tục như "Kỹ năng quản lý cảm xúc", "Kỹ năng tự nhận thức bản thân"; "Kỹ năng ứng phó", "Kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn"… do các chuyên gia tâm lý trường mời đến để nói chuyện với HS.

Theo ông Phú, không cách nào khác để HS vận dụng KNS tốt nhất là cho các em thực hành thật nhiều. Thông qua các chuyên đề, HS rèn luyện kỹ năng ứng phó với tình huống nguy hiểm để biết cách bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác. Từ đó hình thành ý thức về cảm xúc, quan điểm, giá trị, động cơ học tập, khắc phục điểm yếu để tổ chức tốt cuộc sống của mình trong học tập cũng như giao tiếp với mọi người xung quanh.

Công khai các trung tâm, giáo trình được phép dạy KNS

Đến tháng 8-2018, Sở GD-ÐT TP HCM đã công bố danh sách 54 đơn vị dạy KNS được cấp phép. Ðây là hoạt động có thu phí, trên cơ sở có sự đồng thuận của phụ huynh. Theo quy định của sở, tất cả khoản thu, chi phải được thực hiện công khai, minh bạch trong hội đồng sư phạm, có chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tất cả học sinh đều được tiếp cận hoạt động giáo dục KNS. Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tân Phú, TP HCM, trước đây, hoạt động dạy KNS là tự phát ở các trường nên nhiều nơi không quản lý nổi về giáo trình và đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, nếu giáo viên ở trường trực tiếp thì chỉ bằng kinh nghiệm nên không thu hút HS.

Không phải ai cũng dạy được KNS

Theo ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường ÐH Sài Gòn, không phải ai cũng có thể giảng dạy KNS. Cụ thể, cần một đội ngũ dạy KNS hội đủ những điều kiện như: Có kiến thức và hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, có kỹ năng sư phạm, hết lòng với trẻ, yêu mến trẻ. Hơn hết, những giáo viên này phải được đào tạo để hiểu rằng dạy KNS là tác động vào nhận thức, tạo khao khát được thay đổi hành vi, sau đó sẽ được trao công cụ để thay đổi hành vi; kiên định với khao khát được thay đổi và công cụ sử dụng để từ đó hình thành thói quen.

ĐẶNG TRINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/du-kieu-day-ky-nang-song-cho-hoc-sinh-hoc-thi-co-hoc-thieu-van-thieu-20190827220605841.htm