Du lịch ẩm thực: Dễ mà khó

Ngày nay, cùng với nhu cầu đi du lịch để nghỉ dưỡng thì du khách càng có nhu cầu khám phá và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của điểm đến. Trong đó, thưởng thức ẩm thực là một nhu cầu tất yếu.

Khách sạn Mường Thanh (TP Thanh Hóa) giới thiệu nét đẹp ẩm thực đến du khách.

Dù công việc kinh doanh khá bận rộn, song chị Vũ Thị Thu Phương (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) luôn thu xếp để gia đình có được 1 - 2 chuyến du lịch mỗi năm. Chị Phương cho hay, thường thì chị sẽ tìm hiểu khá kỹ thông tin về điểm đến như khách sạn, điểm tham quan, điểm vui chơi, điểm mua sắm... và ưu tiên chọn điểm đến có đồ ăn ngon. Là người yêu thích ẩm thực và khá sành ăn, cho nên chị Phương thường thích lựa chọn những điểm đến có trải nghiệm ẩm thực độc đáo, khác biệt hoặc đa dạng, mang đến nhiều sự lựa chọn. “Tùy vào từng điểm đến hoặc loại hình du lịch mà mình sẽ trải nghiệm các dạng ẩm thực khác nhau. Nếu chọn sản phẩm nghỉ dưỡng tại các resort, thì thực đơn có thể đa dạng hơn và được trình bày bắt mắt hơn. Còn nếu chọn du lịch sinh thái cộng đồng thì tất nhiên thực đơn sẽ đơn giản hơn. Mặc dù vậy, vì sở thích, thói quen, khẩu vị... có đôi chút khác biệt, nên không phải ở đâu và lúc nào, mình cũng được thỏa mãn niềm yêu thích ẩm thực”, chia Phương chia sẻ thêm.

Đi du lịch là để được nghỉ ngơi, thăm thú nhằm thỏa mãn các sở thích, nhu cầu cá nhân và nhất là để “nạp năng lượng” mới cho cơ thể lẫn tâm hồn. Chính vì vậy, nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền để mua những sản phẩm dịch vụ chất lượng. Trong đó, dịch vụ ăn uống là một yêu cầu không thể thiếu. Song ẩm thực đối với du lịch không đơn thuần là nhằm thỏa mãn nhu cầu ăn và ăn ngon của du khách. Ẩm thực đối với du lịch, về bản chất là một mắt xích đặc biệt quan trọng, nhằm hoàn thiện một sản phẩm. Thậm chí có đôi khi, mắt xích ẩm thực yếu sẽ là một điểm trừ nghiêm trọng hay tạo ra một “vết đen” xấu xí cho thương hiệu du lịch. Thực tế, đã từng có một số vụ du khách bị ngộ độc thực phẩm khi ăn uống tại các khu, điểm du lịch; hay không ít vụ việc tranh chấp, cãi vã giữa khách du lịch với các nhà hàng do giá cao, chất lượng bữa ăn thấp... Mặc dù tính chất, mức độ các vụ việc có thể không nghiêm trọng; song rõ ràng là, những sự cố đáng tiếc ấy đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Thanh Hóa nói chung, các điểm đến nói riêng.

Vậy nên mới nói, dịch vụ ăn uống phục vụ du lịch vừa dễ mà không hề dễ. Dễ là nếu chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu ăn uống của du khách và du khách cũng hài lòng với điều đó (phù hợp với sở thích, nhu cầu, khả năng tài chính...). Song, nếu chỉ dừng lại ở đó thì ẩm thực chưa thể trở thành một sản phẩm du lịch, có khả năng bổ trợ tích cực cho các sản phẩm chủ lực như du lịch nghỉ dưỡng biển, hay các loại hình du lịch thế mạnh của Thanh Hóa như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch hội nghị, hội thảo... Đồng thời, càng không thể nâng việc ăn uống hay các món ăn trở thành một nghệ thuật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm du lịch. Một món ngon phải bắt đầu từ nguyên liệu tươi ngon. Tiếp đó, bằng tài năng và kinh nghiệm của người đầu bếp - kể cả chuyên nghiệp và không chuyên - mà các nguyên liệu sẽ biến thành món ăn đủ màu sắc, hương vị. Song, như chia sẻ của quản lý một nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, thì nhu cầu của du khách đối với chất lượng ăn uống ngày càng cao. Ví như, không chỉ ăn ngon, ăn “đẹp” tức là cả hình thức và chất lượng món ăn phải tương xứng với số tiền họ bỏ ra; mà nhiều thực khách còn yêu cầu chất lượng dịch vụ hoàn hảo, thậm chí, trong mỗi món ăn phải hàm chứa một câu chuyện thú vị nào đó. Cho nên, để có thể thỏa mãn nhu cầu của thực khách khó tính, không cách nào khác là nhà hàng phải không ngừng sáng tạo, đưa ra nhiều món ăn mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Có một thực tế là, không nhiều du khách lại lựa chọn nhiều lần một món ăn dở, không hợp khẩu vị; hay bỏ tiền ra mua lấy bực tức vì chất lượng phục vụ, thái độ phục vụ của nhân viên thiếu chuyên nghiệp. Quan tâm đến thị hiếu, nhu cầu và cảm nhận của khách hàng là yêu cầu đầu tiên khi xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực. Chẳng hạn với khách Việt có thể sắp một bát nước mắm chấm chung; nhưng khách nước ngoài lại chưa hẳn đã quen với cách phục vụ này. Vì vậy, phải có cách thức phục vụ sáng tạo, linh hoạt và phù hợp để vừa có thể giới thiệu được nét tinh túy của ẩm thực dân tộc (ví như phục vụ nước mắm riêng cho từng khách; lọc hết xương cá và chia thành các miếng nhỏ, thay vì để nguyên con cá nướng, hấp...); đồng thời, vừa có thể làm hài lòng du khách nước ngoài, khi điều đó phù hợp với văn hóa hay thói quen ăn uống của họ. Đặc biệt, phải chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tránh để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe du khách, gây dư luận xấu và tác động tiêu cực đến hình ảnh, thương hiệu du lịch.

Thanh Hóa hiện có khoảng 925 cơ sở lưu trú du lịch, với 41.300 phòng. Trong đó có một số cơ sở lưu trú quy mô lớn như Khách sạn Mường Thanh (4 sao), Khách sạn Thiên Ý (4 sao), Khu resort Vạn Chài Sầm Sơn (4 sao), Quần thể sân Golf và khu nghỉ dưỡng FLC (5 sao), Khách sạn Central (5 sao), Khách sạn Vipearl (5 sao)... Đồng thời, có khoảng 1.000 nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến cao cấp tại các khu, điểm du lịch phục vụ cho mọi đối tượng du khách. Đây là một trong những cơ sở cho sự hình thành sản phẩm du lịch ẩm thực. Cùng với đó, ẩm thực xứ Thanh vốn được biết đến nhờ bởi sự phong phú, đa dạng và độc đáo. Trong đó, không ít đặc sản nổi tiếng được du khách yêu thích và lựa chọn làm quà như nem chua, rượu, bánh gai, nước mắm...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, chất lượng dịch vụ, nhất là tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, vẫn chưa được nâng cao. Nhiều địa phương và điểm đến chưa chú trọng đúng mức đến việc đầu tư cho ẩm thực để giới thiệu, quảng bá và gia tăng trải nghiệm cho du khách; trong đó có cả những điểm du lịch trọng điểm như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ. Một số địa phương bước đầu khai thác được các đặc sản và đưa vào lịch trình khám phá, trải nghiệm cho du khách. Tuy vậy, cách thức thực hiện còn khá đơn điệu và càng chưa chú ý đến việc gắn đặc sản ấy vào một câu chuyện nào đó về nguồn gốc ra đời, nét tinh tế trong chế biến, hay giá trị món ăn đối với sức khỏe... nhằm hấp dẫn du khách... Đây là những hạn chế cần được ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp và cả người dân chú trọng nhằm tìm cách khắc phục. Qua đó, tìm hướng khai thác và phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực tương xứng với tiềm năng sẵn có của ẩm thực xứ Thanh.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich-am-thuc-de-ma-kho/128308.htm