Du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp - Nơi bản sắc văn hóa Bahnar được gìn giữ và phát huy
Làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là nơi cư trú của đồng bào Bahnar với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc đang được người dân gìn giữ và phát huy.
Bộ mặt nông thôn nơi đây đang thay đổi từng ngày nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung sức của cộng đồng làng và từ dự án “Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra” do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Kbang làm chủ đầu tư.
Theo chia sẻ của ông Phan Đình Phùng-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Kbang: “Thực hiện Kế hoạch số 1103/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai ngày 10-5-2024 về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, trong năm 2024, huyện Kbang đã quyết định chọn làng Mơ Hra-Đáp để phát triển mô hình du lịch cộng đồng với tổng nguồn vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng.
Trong đó, 11 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, khu vực nhà rông truyền thống, khu văn hóa trung tâm và bãi đậu xe, cũng như phục dựng các lễ hội truyền thống; 3,5 tỷ đồng còn lại tập trung vào các hoạt động đào tạo, tập huấn du lịch cho bà con và bảo tồn nghề truyền thống như đan lát, dệt vải, đảm bảo gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Bahnar”.
Ông Phùng chia sẻ, một trong những lý do làng Mơ Hra-Đáp được chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng là vì nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bảo Bahnar tại tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Hình ảnh người phụ nữ Bahnar với bàn tay thoăn thoắt đưa sợi dệt vải, những già làng cùng nhau đan lát dưới tán cây, những nghệ nhân ngân vang khúc hát, điệu xoang, cùng tiếng đàn Ting Ning quây quần bên ghè rượu cần và những món ăn truyền thống giữa sân làng là sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của làng, tạo nên sức hút đặc biệt với du khách thích trải nghiệm du lịch cộng đồng và khám phá văn hóa truyền thống của người Bahnar.
Nhắc đến làng Mơ Hra-Đáp, không thể không nhắc đến cồng chiêng, bởi nơi đây được biết đến như một “cánh chim đầu đàn” của huyện Kbang về nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Già làng Đinh Văn Hmưnh-Nghệ nhân ưu tú-chia sẻ: “Hiện tại, làng Mơ Hra-Đáp có 5 đội cồng chiêng, bao gồm 3 đội người lớn, 1 đội phụ nữ và 1 đội “cồng chiêng nhí”. Các đội cồng chiêng của làng không chỉ biểu diễn trong các nghi lễ truyền thống mà còn đại diện cho huyện Kbang tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng”.
Sự đa dạng và quy mô của các đội cồng chiêng cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa đời sống của người Bahnar, làng Mơ Hra-Đáp và cồng chiêng, phản ánh chiều sâu văn hóa, gắn bó mật thiết với từng nghi lễ trong đời sống.
Ngoài cồng chiêng, du khách đến làng Mơ Hra-Đáp còn bị hấp dẫn bởi ẩm thực đặc trưng của người Bahnar. Từ những nguyên liệu sẵn có của núi rừng, người dân làng Mơ Hra-Đáp đã tạo nên các món ăn vừa đơn giản, vừa đậm đà bản sắc. Các món như gà giã muối é, cơm lam nướng, cá suối nướng, hay tép đùm được gói gọn trong lá chuối rồi hấp… đều khiến du khách khó quên.
Đặc biệt, món bánh củ mì-món ăn ngọt bùi từ củ sắn (củ mì) mà người dân nơi đây thường chuẩn bị để đãi khách là những đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến làng Mơ Hra-Đáp.
Chị Đinh Thị Vái-đại diện Hội Phụ nữ làng Mơ Hra-chia sẻ: “Chúng tôi thường động viên nhau, đặc biệt là các chị em, nếu làm du lịch thì phải đồng lòng, phối hợp để giữ gìn nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ những món ăn truyền thống đến cách chế biến đều cần được gìn giữ và giới thiệu để du khách biết đến văn hóa Bahnar nhiều hơn”.
Với những nét văn hóa truyền thống được lưu giữ tốt như hiện nay, các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng tại làng Mơ Hra-Đáp đang dần khẳng định tiềm năng để phát triển du lịch của làng. Cùng với sự đầu tư và định hướng rõ nét của chính quyền, làng Mơ Hra-Đáp trong tương lai sẽ trở thành một điểm sáng trong du lịch cộng đồng của huyện Kbang và tỉnh Gia Lai, nơi du khách không chỉ được tham quan buôn làng mà còn được hòa mình vào nhịp sống, văn hóa và con người nơi đây.
Hoạt động du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Bahnar, từ nghệ thuật cồng chiêng đến các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt vải và các món ăn đặc sắc, hấp dẫn du khách.