Du lịch cộng đồng ở Nà Tông
Du lịch cộng đồng là một hình thức kinh doanh du lịch dựa trên những giá trị về văn hóa của cộng đồng. Nó được thực hiện và phát triển bởi cộng đồng dân cư, do cộng đồng quản lý, tổ chức và khai thác. Muốn làm du lịch cộng đồng thì mỗi hộ dân phải đoàn kết cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi từ du lịch. Chuyện làm du lịch cộng đồng ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho thấy, đoàn kết đem lại sự phát triển bền vững góp phần làm thay đổi bộ mặt của thôn.
Cùng chia sẻ lợi ích
Từ ngày có khách du lịch đến với với thôn, bà Dương Thị Đông, thôn Nà Tông rất mừng. Bà mừng vì quê mình nhờ làm du lịch mà ngày càng thay đổi. Ở thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid -19, cả thôn lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Nhà nhà trong thôn đều bảo nhau chỉnh trang nhà cửa, vườn tược để đón du khách. Nghề dệt vải thổ cẩm vốn lâu nay dường như bị lãng quên, nay bà Đông lại sửa sang khung cửi để dệt vải vừa là để bán cũng vừa để khách tham quan. Câu lạc bộ văn nghệ của thôn thành lập lại, bà Đông cũng tham gia mặc dù đã ở cái tuổi ngoài 60. Những làn điệu Then đã ngấm trong bà từ nhỏ, nay được thể hiện trước du khách khiến bà thấy mình như trẻ ra. Mỗi lần đi diễn văn nghệ phục vụ du khách bà Đông thấy vừa vui lại vừa có tiền. Nhờ có du lịch, mỗi tháng bà Đông có thêm vài triệu đồng thu nhập mà trước đây khó có thể kiếm ra.
Mặc dù gia đình bà Đông cũng như nhiều hộ khác trong thôn không trực tiếp làm dịch vụ homestay nhưng đều tham gia nhiều dịch vụ “vệ tinh” để phục vụ khách du lịch như: chăn nuôi, trồng rau cung cấp thực phẩm cho các hộ làm dịch vụ homestay, biểu diễn văn nghệ, cho khách trải nghiệm những công việc của nhà nông, làm bánh dày, dệt vải... Ngoài ra, một số hộ có thể sẵn sàng đón khách lưu trú khi lượng du khách đến quá tải đối với các hộ làm homestay. Như vậy, cộng đồng các hộ trong thôn Nà Tông đều được chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch.
Để đảm bảo chia sẻ lợi ích giữa các hộ trong thôn tránh gây ra những mâu thuẫn giữa các bên tham gia, thôn Nà Tông đã có cách làm rất hay. Thôn đã thực hiện việc phân công, sắp xếp để thành lập các tổ nhóm hộ có cùng sở thích trong thôn nhằm chuyên nghiệp hóa từng khâu, nâng cao chất lượng các dịch vụ, từ đó hộ nào cũng được hưởng thụ những lợi ích từ du lịch. Cụ thể, thôn lập các nhóm hộ cùng sở thích như: chăn nuôi lợn, gà, vịt; nhóm hộ trồng rau sạch để cung cấp thực phẩm; nhóm hộ chuyên về nấu ăn, khi có khách chủ hộ Homestay nấu một món chủ đạo còn lại các món khác có thể chia cho các hộ, mỗi hộ nấu một món đem đến cho du khách; nhóm hộ cải tạo vườn để đón khách trải nghiệm; nhóm hộ chuyên về công việc dệt vải làm các sản phẩm lưu niệm bán cho khách, đồng thời để khách tham quan; nhóm hộ chuyên làm bánh dày cũng vừa để khách thưởng thức vừa để khách trải nghiệm... Theo nguyên tắc này, các hộ trong thôn cùng được hưởng lợi như nhau khi tham gia vào hoạt động kinh doanh cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch. Nguồn thu từ hoạt động du lịch được phân chia công bằng cho mọi thành viên tham gia hoạt động, đồng thời lợi ích đó cũng được trích để phát triển lợi ích chung.
Đoàn kết để phát triển
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông cho biết, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng để chung tay phát triển du lịch là yếu tố hàng đầu, Chi bộ thôn đặt ra khi xây dựng định hướng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Trước hết là đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng, điển hình như: thôn đã thành lập được 3 đội văn nghệ theo lứa tuổi, theo thể loại văn nghệ như: hát then đàn tính, hát cọi, múa sạp... Các nghề truyền thống trong thôn đã từng bước được khôi phục, phát triển như: dệt vải, làm thổ cẩm, làm cốm, bánh dày vừa có thể bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, vừa có thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Ông Hỏa Văn Lợi chia sẻ: đoàn kết để làm du lịch có thể hiểu rất đơn giản nhà bên làm dịch vụ homestay mà nhà mình thì nhếch nhác, bẩn thỉu, chuồng trại hôi thối là không được. Đoàn kết là phải cùng nhau làm đẹp từ trong ra ngoài để đẹp lòng khách. Vừa rồi, thôn vận động bà con xóa bỏ hàng rào dây thép thay bằng làm hàng rào cây xanh, bà con trong thôn hưởng ứng ngay. Khi cùng nhau hưởng lợi ích từ du lịch, khi các hộ đều tham gia chỉnh trang nhà cửa để đón khách thì không ai trong thôn đứng ngoài cuộc. Các hộ tự thấy mình phải có trách nhiệm với chính gia đình mình trong ý thức bảo vệ môi trường.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Nà Tông khẳng định, nhờ có tinh thần đoàn kết mà thôn Nà Tông đã trở thành điểm du lịch homestay hấp dẫn du khách. Phong cảnh ở đây nổi tiếng với những dãy núi đá vôi và những ngôi nhà sàn tuyệt đẹp. Từ thôn Nà Tông, du khách có thể đi bộ xuống vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, lên thuyền tham quan các danh thắng và nghỉ lại tại các ngôi nhà sàn, được thưởng thức các món ăn của đồng bào, tham quan, trải nghiệm hòa mình vào với cuộc sống của người dân, được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Hiện thôn có 9 hộ đang làm dịch vụ Homestay và 4 hộ khác đang tiến hành đầu tư đăng ký tham gia. Từ làm du lịch cộng đồng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con, trung bình mỗi năm ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, du lịch cộng đồng giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/cuoi-tuan/du-lich-cong-dong-o-na-tong-151337.html