Du lịch cộng đồng - sinh kế bền vững cho người dân
Điểm du lịch Cát Cát (thị xã Sa Pa) đang phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 và thiệt hại do mưa, lũ. Ngoài xây dựng thêm nhiều tiểu cảnh, các hạng mục để du khách trải nghiệm, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bản địa. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, công ty đã tập hợp và lập được nhóm trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, văn nghệ và chụp ảnh cùng du khách. Nhóm có khoảng 20 học sinh hoàn cảnh khó khăn là con em tại Cát Cát và một số xã, phường lân cận. Các em được công ty hỗ trợ kinh phí và tuân thủ nguyên tắc không chèo kéo, đeo bám, xin tiền du khách. Công ty cũng xây dựng 2 nhà ở miễn phí cho hơn 10 cụ cao tuổi, là những người neo đơn. Các cụ sẽ trình diễn các nghề thủ công truyền thống, như dệt vải, vẽ sáp ong và bán hàng lưu niệm tại khu du lịch.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát cho biết: Du lịch cộng đồng là để người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch và mang lại lợi ích cho chính họ, đồng thời giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng Cát Cát góp phần làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ, trẻ em, người già và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Du lịch cộng đồng ở Sa Pa luôn thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã. Sự kết hợp giữa du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp đã đem lại những nguồn lợi quan trọng cho bà con dân tộc thiểu số và góp phần thay đổi diện mạo làng, bản, cuộc sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt.
Xác định du lịch là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bảo Yên và xã Nghĩa Đô đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, nhằm từng bước biến những di sản văn hóa thành tài sản, tài nguyên du lịch vô giá... Là 1 trong 17 homestay hoạt động hiệu quả tại Nghĩa Đô, bà Lương Thị Quyên, thôn Bản Hón cho biết: Từ khi làm homestay đón khách, không chỉ nhà ở sạch đẹp, khang trang hơn, gia đình cũng có thêm thu nhập ngoài làm nông nghiệp.
Lào Cai được Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 19/32 điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận, bình quân các điểm du lịch cộng đồng thu hút trên 1 triệu lượt khách/năm, chiếm 30% - 35% tổng lượng khách toàn tỉnh. Một số điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu là Tả Van, Mường Hoa, Bản Hồ, Tả Phìn, Cát Cát (thị xã Sa Pa); Bản Liền, Bản Phố, Tà Chải, Trung Đô (Bắc Hà); Hợp Thành (thành phố Lào Cai); Nghĩa Đô (Bảo Yên)…
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở lưu trú tại gia, thu hút hơn 1.500 lao động tham gia hoạt động trực tiếp và gián tiếp. Đội ngũ lao động trong các cơ sở lưu trú hầu hết là các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, du lịch cộng đồng phát triển thu hút đông người dân địa phương tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ, như hướng dẫn khách du lịch, xe ôm, khuân vác hành lý, biểu diễn văn nghệ, chế tác trang sức và bán thổ cẩm… thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng từ 50 - 70 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm.
Để du lịch cộng đồng tiếp tục phát triển mạnh, trở thành sinh kế bền vững cho người dân, thời gian tới, Lào Cai tập trung duy trì 10 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN tại Sa Pa và Bắc Hà; đầu tư nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng đang khai thác; phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc Sa Pa với chủ đề “Sa Pa - xứ sở trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; thúc đẩy phát triển và hình thành 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với 5 nhóm dân tộc thiểu số đặc trưng của tỉnh, đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Lào Cai đã xây dựng các dự án chi tiết tại mỗi điểm du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, coi đó là hướng đi bền vững giúp người dân không chỉ giữ được bản sắc riêng, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của chính quyền và người dân địa phương, trong đó phát huy vai trò cá nhân có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo thuận lợi để du khách tiếp cận, lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch theo nhu cầu.