Du lịch Đà Nẵng 'lấy đà' từ kỳ nghỉ lễ

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang dần ổn định trên phạm vi cả nước, việc mở cửa trở lại các điểm đến vào đúng kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dù chỉ mang lại một lượng khách khiêm tốn, nhưng cũng là bước chạy đà cần thiết cho du lịch Đà Nẵng khi cao điểm mùa hè đang đến.

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang dần ổn định trên phạm vi cả nước, việc mở cửa trở lại các điểm đến vào đúng kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dù chỉ mang lại một lượng khách khiêm tốn, nhưng cũng là bước chạy đà cần thiết cho du lịch Đà Nẵng khi cao điểm mùa hè đang đến.

Du khách tắm biển Đà Nẵng chiều 3-5.

Du khách tắm biển Đà Nẵng chiều 3-5.

Sau thời gian cách ly xã hội, thành phố Đà Nẵng đã trở lại nhịp sống nhộn nhịp ngay những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5. Dù hầu hết là người dân địa phương, du khách trong nước và một ít khách nước ngoài lưu trú trên địa bàn thành phố từ trước ngày 28-3 nhưng các địa điểm du lịch ở trung tâm thành phố cũng đã ấm dần lên. Các cơ sở dịch vụ dọc đường Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Hùng Vương…, hệ thống nhà hàng, khách sạn dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp đã không còn cảnh đìu hiu như một vài tháng trở lại đây. Đặc biệt, với việc được phép mở cửa lại sớm hơn so với các khu điểm du lịch, bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Mân Thái, Nguyễn Tất Thành mỗi ngày đón hàng nghìn lượt du khách, người dân tắm biển và giải trí.

Theo ông Phan Minh Hải - Phó trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, tính từ ngày 30-4 đến ngày 3-5, các bãi biển thành phố đón khoảng 66.000 lượt khách (tương đương 10% so với kỳ nghỉ lễ cùng kỳ năm 2019). “Do thực hiện các quy định về chống dịch, chính quyền, ngành du lịch và bản thân người dân cũng rất cẩn trọng nên khách tham quan, tắm biển chủ yếu vẫn là người địa phương và các tỉnh miền Trung. Mong rằng kỳ nghỉ lễ sẽ là bước khởi động để thành phố đón nhiều du khách hơn trong cao điểm mùa hè”, ông Hải thông tin.

Du khách tắm biển Đà Nẵng chiều 3-5.

Du khách tắm biển Đà Nẵng chiều 3-5.

Các địa điểm du lịch ven biển như chùa Linh Ứng, danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng trong hoàn cảnh tương tự khi dù có khách nhưng người ngoại tỉnh chiếm một lượng rất nhỏ. Ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ có khoảng gần 1.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Đây là lượng khách quá khiêm tốn so với con số khoảng gần 10.000 người mỗi ngày trong các kỳ nghỉ lễ, nhưng cũng đã góp phần làm ấm trở lại khu di tích sau nhiều tháng trời đóng cửa ảm đạm. “Dù sao thì có còn hơn không. Mong rằng dịch bệnh sớm ổn định để đón khách trở lại, mấy tháng rồi hàng chục nhân viên không có việc làm, chủ yếu căng sức chống dịch”, ông Hiền cho hay.

Trong khi nhiều khu điểm du lịch đã mở cửa đón lượng khách của kỳ nghỉ lễ để tái khởi động thì một số vẫn cẩn trọng vì tính toán nguồn thu không thể “cân” nổi chi phí vận hành. Theo đại diện khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài cho biết, sau khi khảo sát thị trường và nắm tình hình, lãnh đạo đơn vị quyết định lùi thời gian mở cửa để nâng cấp dịch vụ, tung sản phẩm mới đón khách vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. “Sau thời gian ngưng hoạt động vì dịch, việc mở cửa trở lại là rất cần thiết nhưng thời điểm này vẫn còn quá khó khăn vì chưa thể đón được nhiều khách. Chúng tôi ưu tiên công tác đầu tư, nâng cấp dịch vụ và dự kiến trong tháng 5 sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới”, vị này cho biết.

Tái diễn hành vi ném thức ăn cho khỉ

Du khách dừng ở các đoạn đường cong trên đường lên Sơn Trà để đùa với khỉ.

Trong những ngày nghỉ lễ, cung đường lên núi Sơn Trà, đặc biệt là đoạn gần chùa Linh Ứng luôn đông người, kể cả những đoạn đường cong, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nguyên nhân là hàng chục đàn khỉ đã kéo từ trên núi xuống, băng qua đường để đùa giỡn và “vòi” thức ăn của du khách. Dù đã được khuyến cáo nhưng người dân tập trung thành từng nhóm để ném thức ăn cho khỉ, chụp hình và vui đùa khiến đàn khỉ ngày một nhiều, gây ra cảnh lộn xộn cả hai bên đường. Ông Nguyễn Đức Vũ – Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Đây là việc làm rất nguy hiểm, không những làm thay đổi tập tính của khỉ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT khi rất nhiều xe cá nhân, xe du lịch di chuyển qua các đoạn đường cong, tầm nhìn hạn chế. Sau lễ chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương để xử lý vấn đề này”.

Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, lượng khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố trong 4 ngày lễ đạt hơn 14.000 lượt, gấp 3 lần con số dự kiến. Dù chỉ tương đương 5% so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu là khách nội địa nhưng trong bối cảnh hiện tại, điều này cũng cho thấy ngành du lịch có sự chuẩn bị để trở lại sau thời gian “đóng băng” vì dịch bệnh. Sau các bãi biển, bán đảo Sơn Trà, Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills thì điểm đến khác như Bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài, Suối Lương, Lái Thiêu… cũng đã gấp rút chuẩn bị và sẵn sàng trở lại vào giữa tháng 5 này.

Bên cạnh đó, trong số 150/968 khách sạn các hạng đang hoạt động thì cũng có tới 50 cơ sở lưu trú đã mở cửa ngay trong dịp lễ. “Sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, hơn nữa đường bay quốc tế chưa hoạt động trở lại, nhưng các doanh nghiệp và ngành du lịch nói chung cũng đã có sự tính toán. Trước mắt sẽ là các chương trình để kích cầu du lịch nội địa bằng sản phẩm mới, dịch vụ cao hơn. Hy vọng kỳ nghỉ lễ vừa qua và các chương trình được tổ chức trong mùa hè này sẽ lấy đà cho du lịch Đà Nẵng trở lại với thương hiệu đã xây dựng là một điểm đến hấp dẫn, an toàn”, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_224255_du-lich-da-nang-lay-da-tu-ky-nghi-le.aspx