Du lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh sau dịch COVID-19

Sau khi dịch COVID-19, hoạt động du lịch Đà Nẵng đã lấy lại đà tăng trưởng. Theo ngành Du lịch Đà Nẵng hầu như các khu, điểm du lịch trên địa bàn đều đón lượng khách tăng ấn tượng.

Cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hill (Đà Nẵng). Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Cầu Vàng tại Khu du lịch Bà Nà Hill (Đà Nẵng). Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sau khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, hoạt động du lịch Đà Nẵng đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ngành Du lịch Đà Nẵng hầu như các khu, điểm du lịch trên địa bàn đều đón lượng khách tăng ấn tượng.

*Những tín hiệu vui

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Ngay sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động dịch vụ du lịch từ giữa tháng 3/2022, du lịch Đà Nẵng đã phục hồi tích cực và phát triển khởi sắc.

Kể từ cuối quý I/2022 đến nay, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn như: khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 760.000 lượt khách, tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm 2021; công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 210.000 lượt khách, tăng gấp 5 lần; danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 150.000 lượt khách… Các cơ sở lưu trú phục vụ gần 1,9 triệu lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.998 tỷ đồng.

Có thể nói Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự phục hồi du lịch tốt nhất trong cả nước, lượng khách du lịch trong nước các tháng 4,5,6,7/2022 đã tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm 2019 (là năm có lượng khách đến đông nhất), lượng khách nước ngoài cũng có nhiều dấu hiệu tăng trở lại từ các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhận định, hầu hết các cơ sở dịch vụ phục vụ du khách đã mở cửa trở lại và đạt được mức tăng trưởng cao trong dịp Hè 2022 này. Triển vọng đưa du lịch Đà Nẵng trở lại thời kỳ như trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra là điều hoàn toàn có thể.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, đi qua đại dịch, Đà Nẵng chứng minh được sức sống của cộng đồng doanh nghiệp, nội lực của địa phương, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. Có thể thấy điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng 7 tháng đầu năm 2022 là việc liên tục làm mới mình, giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới, nhiều sự kiện mới...

Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ cũng như thích ứng để phù hợp với xu hướng du lịch của du khách thời kỳ hậu COVID-19. Ngoài vấn đề an toàn, du khách có xu hướng ưu tiên thiên nhiên biển đảo và nâng tầm trải nghiệm về du lịch và dịch vụ.

Do đó, để đáp ứng vấn đề này, doanh nghiệp du lịch thành phố không ngừng nâng cấp và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Các doanh nghiệp đã thực hiện nâng cấp và đầu tư thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội mới tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa; khởi công khách sạn Fusion; đưa vào khai thác chương trình tour ngắm cảnh thành phố từ trên cao bằng trực thăng…

Chị Trần Thu Hà, quản lý một khách sạn 3 sao trên đường Võ Nguyễn Giáp chia sẻ, hoạt động lưu trú tại khách sạn đã phục hồi khoảng 70% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19. "Khách sạn chúng tôi có hơn 30 phòng, dịp cuối tuần luôn gần kín phòng. Chúng tôi chủ yếu đón khách nội địa đi theo đoàn, còn khách quốc tế ít, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Chúng tôi mong thời gian tới có thêm nhiều khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng hơn", chị Hà nói.

Ông Trần Ngọc Quý, chủ một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng, cho biết, rất phấn khởi khi hoạt động du lịch của thành phố khởi sắc trở lại sau thời gian dài dịch bệnh ảnh hưởng. Hiện nay, khách sạn của ông đang chủ yếu đón khách nội địa đi theo đoàn, hoạt động kinh doanh phục hồi rất tốt.

Vị chủ khách sạn này cũng kỳ vọng thành phố Đà Nẵng sắp tới sẽ có thêm nhiều chuyến bay hơn đưa khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, vui chơi.

Đến thời điểm này, đã có trên 90% số cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch hoạt động trở lại, chỉ còn một số ít điểm dịch vụ còn đóng cửa chủ yếu do phục vụ cho các nguồn khách quốc tế. Tình trạng thiếu nhân lực chỉ mang tính cục bộ ở một vài doanh nghiệp trong một vài thời điểm. Về cơ bản, Đà Nẵng hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn nhân lực theo tiến độ phục hồi của các nguồn khác.

Du Khách trải nghiệm thuyền thúng, Đà Nẵng. Ảnh: Phương Hà

Du Khách trải nghiệm thuyền thúng, Đà Nẵng. Ảnh: Phương Hà

* Duy trì đà tăng trưởng

Đà Nẵng đang dần khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc. Trong thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm theo lợi thế tài nguyên, tạo sự khác biệt và đạt chất lượng cao như: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bất động sản nghỉ dưỡng (có dòng sản phẩm/dịch vụ cho phân khúc khách cao cấp và siêu sang); du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí, thủy nội địa, golf, hội nghị hội thảo (MICE).

Để tiếp tục đà tăng trưởng du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, theo ông Cao Trí Dũng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đang tập trung vào 5 nhóm sản phẩm. Đó là nghỉ dưỡng biển cao cấp gắn với các hoạt động trên biển; du lịch văn hóa lịch sử với tư cách là cửa ngõ đến các di sản; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị hội thảo; du lịch đô thị và du lịch sinh thái rừng, núi, sông hồ, nông nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước (Sở Du lịch) và Trung tâm xúc tiến du lịch để triển khai chuỗi các hoạt động xúc tiến hàng năm, bao gồm rất nhiều hoạt động như: triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu điểm đến ở các thị trường chính, mời các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị truyền thông, các KOL khảo sát quảng bá cho điểm đến, tổ chức hàng loạt các sự kiện địa phương, tham gia vào các hội chợ chuyên ngành...

Ngành du lịch Đà Nẵng cũng đẩy mạnh quảng bá du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực... Đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia phát triển kinh tế ban đêm.

Đa dạng hóa sản phẩm bổ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới... Tăng cường hợp tác, liên kết để khai thác tiềm năng du lịch của Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Đà Nẵng cũng tập trung quảng bá điểm đến, hình thành các chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch, thu hút và trao đổi nguồn khách, tích cực xúc tiến, đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế.

Dự kiến trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức Giải Golf phát triển châu Á vào đầu tháng 9/2022; tiếp tục sự kiện lễ hội "Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022" (từ ngày 11/6 đến 15/8/2022); tiếp tục triển khai các chính sách MICE năm 2022 và dự kiến tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022 vào tháng 12/2022.../.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-lich-da-nang-phuc-hoi-manh-sau-dich-covid-19/255578.html