Du lịch Đà Nẵng vẫn khát nhân sự
Dịch Covid-19 kéo dài nên hầu hết người lao động phải tìm việc khác để mưu sinh. Khi Đà Nẵng đón khách trở lại, các doanh nghiệp đối diện nguy cơ thiếu hụt lao động.
Khoảng 10 ngày nữa, Đà Nẵng sẽ đón khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ nhân sự cho mùa du lịch.
Bà Ngô Thị Hương, Phó giám đốc khách sạn Mường Thanh luxury Đà Nẵng nêu thực trạng: “Các khách sạn bắt đầu mở cửa trở lại nên cần lượng lớn nhân sự. Tuy nhiên, hiện nhân lực cho lĩnh vực này có dấu hiệu khan hiếm. Có thể một phần là nhân lực của ngành khách sạn du lịch đã làm công việc khác sau thời gian dịch”.
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại hồi cuối tháng 4/2021, khoảng 42.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp đã và đang thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm ngành nghề khác.
Người lao động nhảy việc
So với các địa phương khác, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch kéo dài hơn 2 năm. Doanh nghiệp nhiều lần tạm ngưng hoạt động để ứng phó dịch bệnh. Kinh tế khó khăn khiến làn sóng chuyển đổi nghề nghiệp diễn ra khá phổ biến ở địa phương này, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Là một hướng dẫn viên du lịch chuyên tour khách nước ngoài, hơn 2 năm qua, chị Nguyễn Thị Hậu (ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) gặp nhiều khó khăn. Người phụ nữ này đã phải chuyển hướng sang dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Chị Hậu cho biết bản thân còn may mắn so với nhiều đồng nghiệp thất nghiệp hoặc làm công việc hoàn toàn trái chuyên ngành. “Ai cũng phải chuyển ngành nghề khác, không thể chờ được. Mình cũng may là tìm được công việc, duy trì làm việc với người nước ngoài. Nhiều bạn khác thì rất khó khăn", chị Hậu nói.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Bích Thùy (trú quận Ngũ Hành Sơn) cho biết do thất nghiệp quá lâu nên phải tìm việc khác để mưu sinh. Trước đây, chị làm hướng dẫn viên cho một doanh nghiệp ở TP.HCM có chi nhánh tại Đà Nẵng.
Khi chính quyền địa phương thực hiện chủ trương "ai ở nhà nấy", công ty giảm nhân sự và sau đó tạm ngưng hoạt động. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa mở lại vì lượng khách nước ngoài chưa có nhiều.
Ngồi chờ việc thì biết đến bao giờ. Thời buổi này phải nhảy việc để kiếm sống chứ du khách có đâu mà đợi công ty gọi lại làm việc.
Chị Nguyễn Bích Thùy
Để trang trải cuộc sống, chị Thùy phải xin vào cơ sở luyện thi tiếng Anh làm việc. Với vốn ngoại ngữ tương đối, công việc của người phụ nữ này cũng tạm ổn định.
"Ngồi chờ việc thì biết đến bao giờ. Thời buổi này phải nhảy việc để kiếm sống chứ du khách có đâu mà đợi công ty gọi lại làm việc", chị Thùy nói.
Cả hai người phụ nữ trên đều nói tình trạng nhảy việc xảy ra rất nhiều ở lĩnh vực du lịch, khách sạn, lữ hành. Theo lời họ, Chính phủ đã cho phép các địa phương đón khách quốc tế từ ngày 15/3.
Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chưa ai dám chắc ngành du lịch sẽ phục hồi ngay và ổn định. "Du lịch sắp mở lại thì ai cũng vui nhưng cũng lo vì không biết là có ổn không hay chỉ chớp nhoáng”, chị Hậu lo lắng.
Mới tuyển được 50% nhân sự
Theo tìm hiểu của Zing, từ Tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn đăng tải thông tin tuyển dụng nhân sự trên các trang mạng xã hội, web của đơn vị. "Tuy nhiên, đến nay nhiều đơn vị chỉ tuyển được gần một nửa so với nhu cầu thực tế”, bà Hương cho hay.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết ngoài việc khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng thì các doanh nghiệp đang phải đào tạo lại người mới được tuyển dụng.
"Bởi lẽ, những nhân viên cũ đã đi tìm việc khác. Nhân sự mới thì chưa nắm bắt được công việc ngay mà phải qua một quá trình đào tạo về chuyên môn", ông Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết các doanh nghiệp du lịch, trong đó có khách sạn đang thiếu hụt nhân sự, nhất là khi địa phương mở cửa toàn diện trong tháng 3 này.
Để khắc phục thực trạng trên, sở chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp đào tạo lại cho người lao động để họ sớm trở lại làm việc.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thông tin cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã triển khai những chính sách đối với lao động trong lĩnh vực du lịch như cho phép vay không thế chấp, giúp họ sớm tiếp cận những nguồn hỗ trợ.
"Những chính sách trên phần nào giúp họ giữ được 'lửa nghề' để có thể sẵn sàng quay trở lại khi du lịch phục hồi", ông Quảng nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-lich-da-nang-van-khat-nhan-su-post1300959.html