Du lịch ĐBSCL chưa đặc sắc
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tài nguyên du lịch nhưng du lịch phát triển khá chậm, cả về lượng khách, sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch và công tác xúc tiến du lịch. Đây là thực trạng được các đại biểu nêu ra tại Diễn đàn Phát triển du lịch ĐBSCL vừa diễn ra ở TP Cần Thơ.
Điển hình cho tình trạng này là TP Cần Thơ. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương này được xác định là “trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng ĐBSCL, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước”.
Trên thực tế, như lãnh đạo ngành du lịch TP Cần Thơ thừa nhận, du lịch của địa phương vẫn chưa phát huy, khai thác hết lợi thế, tiềm năng du lịch. Cho đến thời điểm này, lượng khách du lịch đến TP Cần Thơ cũng chỉ tăng bình quân 15%/năm; doanh thu từ du lịch tăng bình quân 20%/năm.
Hay như với tỉnh Trà Vinh, du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trên cơ sở bản sắc văn hóa đa sắc tộc, nhiều công trình tôn giáo có kiến trúc độc đáo, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc. Vậy mà ngành du lịch của tỉnh cũng chỉ dừng lại ở mức khai thác tài nguyên sẵn có.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL chỉ ra một số nguyên nhân như: Giao thông chưa thuận tiện, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng; khoảng 95% doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa, nhỏ nên không có điều kiện đầu tư sản phẩm du lịch mới, chỉ dùng các sản phẩm cũ, trùng lặp; nhân lực du lịch Việt Nam hiện đang bị thiếu và yếu, đối với ĐBSCL càng trầm trọng, khi cơ sở đào tạo du lịch ở khu vực không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chỉ có một vài địa phương đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch cho địa phương mình ở các trung tâm của cả nước, trong khi hầu hết các tỉnh khác mới chỉ tập trung tổ chức lễ hội, ngày văn hóa du lịch của địa phương.
Theo các đại biểu, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương; cần nâng cao nhận thức, quan điểm mới của Đảng về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên và điều hành tour du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/du-lich-dbscl-chua-dac-sac-632008.html