Du lịch ĐBSCL vẫn 'khát' những đường bay thẳng
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là cửa ngõ quan trọng nối liền Tây Nam Bộ với các tỉnh/thành khác trong nước cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đến hiện tại, sân bay này chỉ còn rất ít chuyến bay nội địa và không có chuyến bay quốc tế. Việc giảm nhiều chuyến bay thẳng đến Cần Thơ đã khiến ngành du lịch khó kết nối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức; các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại Tây Nam Bộ đã thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của du lịch vùng.
Năm 2023, ước tính tổng lượt khách đến với ĐBSCL đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt. Doanh thu đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022. Mặc dù phục hồi và phát triển vượt bậc khi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng cao, doanh thu từ du lịch vượt kế hoạch đề ra, nhưng du lịch ĐBSCL vẫn còn những khó khăn, hạn chế nội tại.
Với vai trò thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, thành phố đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh/thành phố trên cả nước và đang mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh/thành khác để quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch. Sự mở rộng hợp tác này góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, với những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch.
"TP. Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương", ông Nguyễn Thực Hiện cho biết.
Những điểm nghẽn khiến du lịch của vùng chưa thể "cất cánh" tương xứng tiềm năng, như sự kết nối giữa các địa phương chưa sâu sắc và đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; sản phẩm du lịch chưa có nhiều cải tiến, còn dẫm chân nhau; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phục vụ phát triển du lịch chưa cao…
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ nêu bật thực trạng về việc khai thác các đường bay tại Cảng hàng không trong vùng vẫn còn hạn chế về công suất. Đơn cử là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sản lượng vận tải hành khách mặc dù có tăng đáng kể so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm trước năm 2020 khi chưa xảy ra dịch Covid-19, nhất là trong năm 2022 không khai thác các đường bay quốc tế tại đây. Các đường bay nội địa mới khai thác còn bị sụt giảm công suất hoặc đóng chuyến hoàn toàn như đường bay Cần Thơ - Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ – Đà Lạt, Cần Thơ – Phú Quốc, cũng khiến du lịch ĐBSCL không thể thu hút khách.
Bà Lê Đình Minh Thy nói thêm: "Hiện nay chỉ có 4 đường bay kết nối đi từ Cần Thơ, trong khi trước đó có 11 đường bay, như vậy “điểm nghẽn” của giao thông hàng không đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc kết nối tour, tuyến cũng như kết nối khách từ các vùng miền khác đến ĐBSCL. Tôi thấy với thực trạng nhìn thấy như vậy thì trong thời gian tới, ĐBSCL muốn xây dựng được thương hiệu du lịch của mình thì cần phải có những giải pháp kết nối trở lại các đường bay đi và đến từ Cần Thơ thông qua việc phối hợp với các hãng hàng không, kêu gọi những hãng hàng không tham gia vào đường bay từ sân bay Cần Thơ đến với các vùng, miền trên cả nước".
Không chỉ có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chưa khai thác đúng tiềm năng, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng giảm chuyến do vắng khách vào mùa cao điểm. Riêng cảng hàng không Cà Mau, các chuyến bay luôn đông khách nhưng do đường băng cất và hạ cánh còn hạn chế nên các tàu bay phải giảm tải công suất hoạt động.
Dù là nguyên nhân do thời tiết hay suy thoái kinh tế khiến khách có xu hướng ít đi du lịch hay giá vé máy bay tăng cao do các hãng bay rút dần khỏi thị trường cạnh tranh thì việc đường hàng không không phát triển đúng nhu cầu giao thông thuận lợi của du khách đã ảnh hưởng lớn đến việc đưa du lịch ĐBSCL vươn lên đúng tầm.
Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhìn nhận hạ tầng giao thông vận tải thiếu, chưa phát triển đồng bộ là vấn đề nan giải tại ĐBSCL, bên cạnh tháo "điểm nghẽn" này cũng cần quan tâm nhiều vấn đề kèm theo: "Vừa qua TP.HCM cùng với các tỉnh/thành ĐBSCL có ký kết quy chế, nhưng tôi cho rằng nếu như chúng ta thành lập được ban điều phối thì sẽ có tác dụng và hiệu quả hơn. Về đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất cho du lịch thì tôi nghĩ rằng chúng ta phải đa dạng hóa, phải huy động nhiều nguồn để phát triển trong thời gian tới".
Trước ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động du lịch vùng ĐBSCL, bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ thế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy ngoài sự phối hợp chặt chẽ trong nội tại của ngành du lịch, thì giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với hiệp hội du lịch, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ để tạo nên một sự đồng hành tham gia của các ngành tại mỗi địa phương, cũng như là các đơn vị trong cung ứng du lịch như là vận tải, hàng không, dịch vụ… để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đưa du lịch phát triển một cách toàn diện, nhanh, bền vững như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08 ban hành mới đây ngày 23/2/2024", bà Cao Thị Ngọc Lan nói.
Việc hoàn thiện các tuyến đường cao tốc, mở thêm chuyến bay kết nối thẳng liên vùng, liên quốc gia đến các địa phương vùng ĐBSCL được xem là một trong những giải pháp trọng tâm đưa ngành du lịch phát triển. Do vậy, đầu năm 2024 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai các giải pháp mở rộng các đường bay quốc tế và các vùng trọng điểm du lịch trong nước đến khu vực này, nhằm thu hút khách du lịch thông qua đường hàng không. Đồng thời tiếp tục chính sách giảm thuế; giảm 50% phí cấp phép kinh doanh; quan tâm đề án bồi dưỡng phát triển nhân lực du lịch ĐBSCL... Nếu được chấp thuận, ngành du lịch ĐBSCL không chỉ chuyển mình mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-dbscl-van-khat-nhung-duong-bay-thang-post1085935.vov