Du lịch đêm Hà Nội đang thiếu 'màu'

Lượng khách đến Thủ đô Hà Nội 8 tháng vừa qua được thống kê đang có mức tăng trưởng tốt, với 16,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,79 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách du lịch dành phần lớn cho các dịch vụ ăn uống, đi lại, lưu trú đang tăng chậm.

Đề án “Phát triển phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020 là bước đi đầu tiên trên con đường phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở tạo niềm tin rằng những người thừa hành làm tốt nhiệm vụ, sớm có được phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch.

Các khu đô thị du lịch lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã đưa vào vận hành sản phẩm dịch vụ dưới các hình thức: chợ đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ, dịch vụ ẩm thực và một số chương trình biểu diễn. Những hoạt động du lịch về đêm này trở nên quen thuộc với người dân địa phương và là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch.

Phần lớn du khách không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm phong phú, chất lượng sẽ khiến du khách thích thú, muốn trở lại khám phá và không ngần ngại mở hầu bao. Tuy vậy, trên thực tế sản phẩm du lịch đêm thiếu màu sắc của Hà Nội chưa đủ để du khách chi tiêu không ngần ngại. Đây vốn cũng không phải là chuyện riêng của địa phương nào cho tới khi vai trò của kinh tế đêm được nhận thức đầy đủ.

Mô hình kinh tế mới này sẽ không vận hành như những mô hình đang hoạt động. Do đó, một khung pháp lý chung, không phân biệt giữa chính sách cho kinh tế ban ngày hay kinh tế đêm vẫn chưa đủ. Minh chứng là việc bó hẹp hình thức của các sản phẩm dịch vụ đêm, du khách thiếu mặn mà với dịch vụ được cung cấp và phản hồi không mấy tích cực từ người dân bản địa trong khu vực những dịch vụ này đang vận hành.

Chỉ khi chủ thể của hoạt động kinh tế đêm là người cung cấp và thụ hưởng dịch vụ được khuyến khích tham gia, các loại hình dịch vụ mới sẽ ra đời, mở rộng và đa dạng hơn. Điều này được đảm bảo dưới một khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm hoàn thiện, cơ chế, chính sách phù hợp, nới lỏng hơn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Các giá trị văn hóa, ẩm thực địa phương có sẵn ở đây là lợi thế để người tham gia nền kinh tế mở khai thác, làm phong phú, hợp thời, có tính tương tác để thu hút nhiều độ tuổi, phục vụ nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Có thể hiểu mô hình kinh tế mở vận hành như sự phát triển của một khu vườn. Muốn khu vườn đa sắc màu, những người làm vườn cần được tự do lựa chọn giống cây trồng, được cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng trong một khu đất tốt có quy hoạch rõ ràng dưới sự quản lý chặt chẽ.

Cách đây một thập kỷ, Nhật Bản chỉ đón khoảng 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm. Thời điểm đó, nước Nhật có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí nhưng tất cả đều đóng cửa sớm. Các bảo tàng và đền thờ thường đóng cửa lúc 17 giờ, còn các buổi hòa nhạc và show diễn thì kết thúc lúc 20 giờ 30 phút. Từ năm 2017, Nhật Bản sửa đổi Luật giải trí dành cho người lớn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường hoạt động đêm. Một năm sau, số khách quốc tế đến nước này tăng lên 32 triệu, lên 40 triệu vào năm 2020 và dự kiến 60 triệu vào năm 2030.

Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã khai thác được "mỏ vàng" kinh tế đêm. Chúng ta cũng có thể làm được. Làm như thế nào phụ thuộc vào tư duy mở đủ để xây dựng một mô hình mở, cho phép hoạt động một số dịch vụ trước đây chúng ta vẫn đóng kín cánh cửa cơ hội.

Ái Kiều/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-dem-ha-noi-dang-thieu-mau-post1048296.vov