Du lịch đến vùng sâu, vùng xa cũng là cách làm từ thiện xuất sắc

Đến thăm những bản làng vùng sâu, vùng xa và nhất là những nơi vừa hứng chịu mưa lũ chắc chắn là một trong những cách làm thiện nguyện hiệu quả. Khi đó người dân vùng cao, và cả nhân dân tất cả các vùng khó khăn phải chống chọi với thiên tai, sẽ nhận được những 'món quà' lớn hơn và lâu dài, bền vững hơn.

Bão số 3 và hệ quả sau bão khiến hoạt động du lịch tại nhiều địa phương miền Bắc bị gián đoạn. Dù các điểm đến như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Phòng... đã đón khách trở lại sau mưa lũ nhưng nhiều tour du lịch vẫn bị hủy bỏ, nhiều du khách có tâm lý e ngại về nguy cơ mất an toàn. Các địa phương, doanh nghiệp đang tích cực phối hợp để xây dựng hình ảnh, sản phẩm mới và đảm bảo an toàn đón du khách quay trở lại.

Thung lũng Mường Hoa (Lào Cai) mùa lúa chín

Thung lũng Mường Hoa (Lào Cai) mùa lúa chín

Những khách sạn vắng lặng

Theo Sở Du lịch Lào Cai, từ khi cơn bão số 3 đổ bộ, các cơ sở du lịch tại Lào Cai gần như không phát sinh doanh thu, phần lớn các tour du lịch trong tháng 9 bị hủy, chỉ còn các nhóm khách lẻ. Dự kiến doanh thu các đơn vị du lịch tại Lào Cai trong tháng 9 sẽ sụt giảm đến 80% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến nhiều khó khăn để trang trải các chi phí vận hành như thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng, trả lương nhân viên, chi phí điện nước…

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Hoàng Xuân Đôn - Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) cho biết sau mưa lũ, nhiều khách sạn ở Hà Giang cũng như một số địa phương khác lâm vào cảnh vắng lặng.

Quản lý một khách sạn ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ, cơ sở này đã vắng khách suốt 2 tháng mưa gió qua, thêm mưa lũ lần này tất cả khách đều hủy. Nếu những tháng sắp tới vẫn vắng khách, các nhân viên có khả năng mất việc. Khách sạn này có 8 nhân viên, gần như toàn bộ là người dân tộc thiểu số sống ở các thôn bản lân cận. Họ ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của thiên tai. Khách sạn được xây dựng phần lớn bằng các nguyên vật liệu tại chỗ. Khăn bàn, ra trải giường, rèm cửa… toàn bằng thổ cẩm địa phương. Toàn bộ bữa ăn trong khách sạn, từ rau củ, thịt thà cá mú, đến rượu… đều nuôi trồng chế biến tại chỗ.

Một nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Một nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Ông Hoàng Xuân Đôn cho biết: "Mới đây đi công tác ở huyện Mèo Vạc, chúng tôi lưu trú 2 phòng tại khách sạn rất đẹp 40 phòng, nhưng lúc đó trống không. Khi đó tôi nhận được tin nhắn hỏi thăm của một người bạn, người năm nào cũng lên Hà Giang chơi đôi lần. Người này kể anh ấy cùng nhóm bạn đã lên kế hoạch tháng 10 đi du lịch vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng thiên tai xảy ra khiến cả nhóm đều rất đau lòng, không còn tâm trạng nào để đi du lịch nữa. Anh cùng mọi người quyết định dồn toàn bộ số tiền định đi du lịch để ủng hộ bà con vùng cao... Theo tôi, việc từ thiện, giúp đỡ bà con trong cơn nguy khó dĩ nhiên là việc làm rất đẹp. Nhưng lên Hà Giang du lịch sau khi đã hết bão lũ, sạt lở là cách làm từ thiện xuất sắc hơn nhiều".

Điều người dân khó khăn tất cả các nơi cần nhất, là một nền kinh tế lành mạnh, họ có thể làm việc, phấn đấu, giao lưu tiếp cận với ngững người có kiến thức tốt hơn, kiếm tiền từ những sản phẩm chính tay mình làm ra. Rồi từ đó, trẻ em được đi học, dân trí được nâng cao, họ có thể giảm nhu cầu đất đai cho nông nghiệp, để có chỗ cho rừng phục hồi. Họ có tiền, có kiến thức, có thể chọn những vật liệu tốt hơn để xây nhà vững chãi hơn, vị trí tốt hơn, tránh được luồng lũ quét, xây dựng được những đê kè vững chãi hơn giữ thềm đất lở…

"Họ dĩ nhiên rất cần những hỗ trợ cấp thiết, nhưng đừng để những hỗ trợ cấp thiết ấy năm nào cũng cần. Họ cần việc làm ổn định, sinh kế bền vững; cần trở thành người có học vấn và khá giả như chính vị khách du lịch. Tôi nói với bạn tôi rằng, anh đừng hủy chuyến đi mà hãy cứ đến Hà Giang du lịch đi, hãy tiêu dùng những đồng tiền nhân ái của mình một cách hào phóng, giúp lấp đầy các phòng khách sạn. Hãy mua những sản phẩm OCOP địa phương, hãy mang những thiết bị, dụng cụ học tập và cả những cuốn sách về khát vọng đổi đời cho trẻ em vùng cao. Rồi khi ấy, người dân khó khăn nhiều nơi sẽ tự lên đứng được trong mọi khốn khó", ông Hoàng Xuân Đôn nói.

Du khách đến Lào Cai sau bão Yagi, khi các chuyến tàu được khôi phục từ ngày 24/9.

Du khách đến Lào Cai sau bão Yagi, khi các chuyến tàu được khôi phục từ ngày 24/9.

Mở tour du lịch thiện nguyện

Sở Du lịch Lào Cai, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị xây dựng thêm các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp thiện nguyện và hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Bên cạnh việc giúp khôi phục kinh tế du lịch của các địa bàn bị thiệt hại sau mưa lũ, các tour thiện nguyện với sự hỗ trợ từ công ty du lịch và chính quyền địa phương sẽ giúp hoạt động thiện nguyện đạt được hiệu quả tốt hơn, du khách biết được đúng địa điểm đang cần cũng như nhu cầu hỗ trợ gì, từ đó tránh việc nơi thừa, nơi thiếu.

Dự kiến, một số chương trình du lịch thiện nguyện tại Lào Cai gồm các tour “Khám phá Sa Pa - thành phố trong sương kết hợp chương trình thiện nguyện” với hoạt động thăm hỏi và tặng quà tại xã Mường Hoa; tour khám phá chợ phiên Bắc Hà - du thuyền trên sông Chảy kết hợp chương trình thiện nguyện, giúp đỡ học sinh khó khăn ở Hoàng Thu Phố hoặc xã Lùng Phình; tour tham quan du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng Bảo Yên kết hợp thiện nguyện ở Nghĩa Đô, Làng Nủ (Phúc Khánh); tour khám phá Mường Hum - Y Tý - Lũng Pô kết hợp thiện nguyện, tặng quà cho học sinh ở A Lù, Nậm Pung...

Một chương trình du lịch thiện nguyện tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cuối năm 2023. Ảnh: Minh Hiền

Một chương trình du lịch thiện nguyện tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cuối năm 2023. Ảnh: Minh Hiền

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền – Phó Giám đốc Công ty PYS Travel cho biết trong thời gian tới đơn vị tổ chức nhiều tour du lịch thiện nguyện tới các địa bàn vùng núi phía Bắc: "Sau lũ lụt là giai đoạn tái thiết, sẽ cần sự chung tay của cộng đồng để người dân sớm ổn định cuộc sống và học sinh, giáo viên sớm được đến trường. Các trường học hiện thiếu thốn nhiều về trang thiết bị, cơ sở vật chất, sách vở cho cả giáo viên và học sinh. Còn với du khách nói riêng, một hành trình khám phá một miền đất mới sẽ trở nên có ý nghĩa đặc biệt khi kết hợp cùng chương trình thiện nguyện".

Dự kiến PYS Travel sẽ tổ chức các tour thiện nguyện "Tủ sách cho em" tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai... trong đó tập trung nhiều tại khu vực Y Tý - Bắc Hà - Hoàng Su Phì. Đây chương trình thiện nguyện kết hợp với du lịch, giúp các trẻ em vùng cao có thêm trang thiết bị học tập, nhằm chia sẻ một phần khó khăn cũng như động viên các em trong việc đến trường. Hiện nay đã có các đoàn đăng ký tham gia cùng PYS Travel vào tháng 10, như một công ty gần 60 nhân viên sẽ đi Mù Cang Chải vào ngày 11/10 và thực hiện chương trình thiện nguyện tại cụm trường Mầm non Suối Giàng – huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Công ty Vietravel cũng tổ chức các tour thiện nguyện trong tháng 10 và tháng 11, với hành trình Tủa Chùa (Điện Biên) và Tà Xùa (Sơn La). Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, các điểm tham quan và trải nghiệm vẫn đảm bảo phục vụ du khách như săn mây, check in tại "Sống lưng khủng long", di tích Nhà tù Sơn La (tỉnh Sơn La) hay bản làng Sín Chải, Tả Phìn, ruộng bậc thang Chiếu Tính (tỉnh Điện Biên).

Du khách trên hành trình leo núi Phja Dạ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Du khách trên hành trình leo núi Phja Dạ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Đến thăm những bản làng, địa phương vùng sâu, vùng xa và nhất là những nơi vừa hứng chịu mưa lũ chắc chắn là một cách thiện nguyện hữu ích. Khi đó người dân vùng cao, và cả nhân dân tất cả các vùng khó khăn phải chống chọi với thiên tai, sẽ nhận được những “món quà” lớn hơn và lâu dài, bền vững hơn. Khách du lịch hãy cùng người dân địa phương chung sức vì mục tiêu cải thiện năng lực, giúp họ tự đứng trên chân mình, bất kể thiên tai có diễn ra bao nhiêu lần nữa.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-den-vung-sau-vung-xa-cung-la-cach-lam-tu-thien-xuat-sac-post1124189.vov