Du lịch dịp lễ 2/9: Ảm đạm vì lo COVID-19
Thực khách tham gia liên hoan tại Trung tâm hội nghị PYTOPIA. Ảnh: TRẦN QUỚI
Mọi năm, đây là thời điểm rầm rộ khách du lịch “vét hè” trước khi bắt đầu năm học mới và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Nhưng lúc này đây, du lịch đang bị tê liệt bởi COVID-19.
Sau đợt bùng phát thứ nhất hồi đầu năm, ngành Du lịch đã nỗ lực và đang phục hồi tốt du lịch nội địa. Nhưng cú “hồi mã thương” lần hai cách đây một tháng, COVID-19 gần như làm tê liệt hoạt động du lịch. Số địa phương có dịch tăng lên, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng, nhiều địa phương ban bố tình trạng cách ly xã hội. Hơn 1 tháng kể từ ngày bùng phát dịch COVID-19 trở lại với ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng, toàn bộ hoạt động du lịch nội địa bị ngưng trệ. Người lao động trong lĩnh vực du lịch phải giãn ca, tìm việc làm thêm từ bán hàng online đến các công việc thời vụ khác. Các công ty lữ hành, lưu trú, vận chuyển… phải gồng mình duy trì, tồn tại.
Buồn ơi là buồn!
Đó là tâm tư chung của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sau hơn một tháng bị COVID-19 hoành hành. Hầu hết các khách sạn trong tháng 8 không thể tính được tỉ lệ phần trăm khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Còn đối với các công ty lữ hành chỉ tập trung lo việc giải quyết hủy tour, đàm phán hoãn tour và cọc dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Chị Hiếu Hạnh, Giám đốc khách sạn Kaya, nói: “Không tính được phần trăm công suất phòng, thậm chí có ngày không có phòng nào cả. Giờ chỉ mong có khách lẻ để có kinh phí trả điện nước, nhân viên cũng xa vời”.
Theo ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, mặc dù Phú Yên là vùng an toàn về dịch COVID-19, tuy nhiên khi các tỉnh trong khu vực bị cách ly, tâm lý lo lắng của khách cũng như quy định chủ động phòng chống dịch của tỉnh, các tour du lịch trong tháng 8, tháng 9 đều bị hủy. “Mọi năm, thời điểm này khách vẫn còn khá đông. Nhưng nay thì hoàn toàn vắng bóng, dù hiện tại một số hãng bay đã mở lại”, ông Tùng cho hay.
Thống kế của ngành Du lịch cho biết, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên trong tháng 8 giảm 89%, tổng lượt khách được các cơ sở lưu trú đón tiếp giảm 75,7%, tổng doanh thu trong hoạt động du lịch giảm 91,3% so với cùng kỳ. Những con số quá ảm đạm!
Cố gắng xoay xở
Dịch bệnh là sự cố bất khả kháng. Các hoạt động kinh doanh ngưng trệ, người lao động mất việc, giảm thu nhập, doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 đến thời điểm này là quá nặng nề. Tự thân người lao động cũng chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách giảm lương, giãn ca. “Thời buổi này được đi làm ngày nào là mừng ngày đó”, bạn Thu Ngân, nhân viên một khách sạn chia sẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu bộ máy, cố gắng duy trì vượt qua khó khăn. Chị Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc khách sạn Hùng Vương, cho hay: Đơn vị áp dụng xoay tua ngày nghỉ cho nhân viên và cố gắng rót vốn để duy trì hoạt động và một phần trả lương giữ chân nhân viên, dù khách sạn không có khách.
Khách du lịch các tỉnh ngoài đi theo tour hầu như vắng bóng trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên, với các địa phương không có dịch vẫn có một lượng khách du lịch tại chỗ hoặc giữa các địa phương không có dịch. Ông Đàm Đại Hữu, Giám đốc Công ty Lữ hành Phú Yên Smile, cho biết: Dịp này, nếu có khách thì chỉ là khách đi theo nhóm bạn, gia đình, các nhóm phượt… Vì vậy, một số nhà hàng, khách sạn, resort vẫn duy trì, tổ chức các dịch vụ trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp đến. Anh Đặng Văn Hòa, quản lý Trung tâm hội nghị PYTOPIA, cho biết: “Để duy trì hoạt động, trung tâm định kỳ tổ chức tiệc buffet chay sân vườn với giá 99.000 đồng/suất vào ngày mùng một và 15 âm lịch hàng tháng. Trước đây, tiệc buffet hải sản (299.000 đồng/suất) chạy hàng tuần, do dịch bệnh nên tạm dừng, chúng tôi sẽ chạy lại vào lúc 17 giờ ngày 2/9 để phục vụ nhu cầu khách địa phương”. “Dịp lễ này, Stelia beach resort (Go Zo) chạy hết tất cả các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú với giá ngày thường. Thậm chí còn khuyến mại thêm cho khách đặt dịch vụ trước 10 ngày giảm 10%, lưu trú 3 đêm trở lên giảm giá 20%”, chị Mỹ Vương quản lý resort thông tin.
Cần sự hỗ trợ từ chính sách
Trong đợt kích cầu du lịch, phục hồi khách nội địa (từ tháng 5 đến giữa tháng 7/2020), các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã giảm giá dịch vụ nên kéo được khách trở lại, nhưng mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chưa kịp thu lợi nhuận. Đợt dịch lần hai này khiến doanh nghiệp du lịch điêu đứng. Chính vì vậy rất cần có sự chia sẻ thiệt hại giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản phẩm và nhất là sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên Ngô Văn Định đề xuất Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp du lịch duy trì vượt qua khó khăn. Gói hỗ trợ đợt 1 của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay nhiều doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch vẫn khó có thể tiếp cận. Giám đốc khách sạn Kaya Hiếu Hạnh than thở: “Doanh nghiệp du lịch chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi COVID-19, nhân viên mất việc làm, giảm thu nhập nhưng không được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng của Nhà nước. Doanh nghiệp thì càng khó khăn, khi phải rót vốn duy trì cầm chừng và trả lương một phần cho nhân viên, nếu tình hình kéo dài sẽ không chịu nổi”.
Về gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho hay, toàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, xét theo quy định không đạt các tiêu chí nên không có doanh nghiệp hay người lao động trong doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ gói tài chính này. Thực tế này chung cả nước chứ không riêng Phú Yên, bởi các quy định, điều kiện đặt ra quá chặt chẽ. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng phù hợp hơn với điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Phú Yên cũng như các tỉnh thành trong cả nước kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế VAT, giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020; đồng thời áp dụng chính sách giảm giá điện, giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện các khoản vay mới; giảm một phần tiền các doanh nghiệp ký quỹ theo quy định…
Song song với việc ghi nhận các đề xuất về hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và đã kiến nghị lên trên, chúng tôi cũng đã đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch như lưu trú ăn uống làm việc lại với các đơn vị lữ hành đã đặt tour trước đó để giải quyết vấn đề tiền cọc hoặc là cam kết sẽ đưa khách đến khi hết dịch. Trong thời gian không có khách, các doanh nghiệp sửa sang cơ sở vật chất, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo chỉ thị của Thủ tướng, UBND tỉnh. Theo đó, cần bảo đảm công tác phòng chống dịch an toàn, duy trì đón khách địa phương, khách đi nhóm nhỏ đến từ các địa phương không có dịch. Ngay khi dịch được kiểm soát, ngành Du lịch triển khai ngay chương trình quảng bá sản phẩm du lịch, công bố một số sản phẩm và tuyến du lịch mới, khởi động lại chính sách kích cầu du lịch để đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245015/du-lich-dip-le-2-9--am-dam-vi-lo-covid-19.html