Du lịch đường thủy 'bật chế độ' kiểm soát cao

Những ngày này, công tác kiểm soát an toàn cho khách du lịch tiếp tục được các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy khẩn trương siết chặt. Các cảng vụ, bến tàu du lịch được yêu cầu tăng cường cảnh báo thời tiết, tạm dừng hoạt động khi điều kiện không bảo đảm; rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển khách, trang thiết bị cứu hộ và năng lực của người điều khiển phương tiện…

Thuyền bè neo đậu tại bến thuyền Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Đình Minh.

Thuyền bè neo đậu tại bến thuyền Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Đình Minh.

Cảnh báo được đặt ở mức cao nhất

Tại Ninh Bình - điểm đến nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái, di sản thế giới, công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão đang được đặt ở mức cảnh báo cao nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngày 19/7, tại khu vực Tam Cốc đã xảy ra giông lốc kèm mưa lớn đúng thời điểm du khách đang tham quan trên sông. Sau khi nhận thông tin, Ban Quản lý khu du lịch đã bố trí 1 thuyền cano cùng 3 thuyền máy lớn triển khai các phương án cứu hộ, kịp thời hỗ trợ 90 khách về bến và 27 khách đang tham quan Tam Cốc ở khu vực Cống Rồng vào điểm tránh gió an toàn.

Ngay sau sự việc trên, ngày 20/7, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn yêu cầu toàn bộ các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, đơn vị lữ hành... chủ động phương án phòng, chống thiên tai; ngừng hoạt động khi thời tiết xấu; rà soát, gia cố hạ tầng kỹ thuật, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 và công khai đường dây nóng hỗ trợ du khách trong tình huống khẩn cấp.

Đến sáng 21/7, theo ông Mạnh, các khu, điểm có hoạt động du lịch đường thủy đã chủ động tăng cường neo đậu và gia cố thuyền bè để phòng thời tiết xấu. Cùng với đó, tiến hành cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường, bến thuyền và khu vực tập trung đông người; đóng bao cát tại các điểm dễ xói lở; duy trì đội cứu hộ túc trực và hệ thống liên lạc nhanh để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu, điểm như Tam Chúc, Thung Nham, Tam Cốc, Tràng An... các hoạt động tham quan đã được tạm dừng để phòng, chống bão số 3. “Trước mắt, toàn tỉnh và ngành du lịch Ninh Bình đang tập trung, chủ động, khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3. Sau khi bão tan, chúng tôi sẽ có đánh giá, kiểm tra cụ thể hơn về các phương tiện và hoạt động du lịch đường thủy”- ông Mạnh chia sẻ.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cũng thông tin thêm, sắp tới đơn vị sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn chuyên sâu dành cho các khu, điểm du lịch, mời các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn xây dựng phương án xử lý sự cố, quy trình cứu hộ - cứu nạn khi thiên tai bất ngờ xảy ra.

Giám sát chặt tàu du lịch

Là địa phương có bờ biển kéo dài, hệ thống sông ngòi đa dạng, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Quản lý Đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa đăng ký hoạt động kinh doanh tàu du lịch. Doanh nghiệp này khai thác các tour du lịch trên sông Mã, lộ trình khoảng 20km đường, gồm 3 du thuyền với khoảng 300 ghế phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Giám đốc Cảng vụ Thanh Hóa cho biết, mặc dù trên địa bàn chỉ có 1 công ty đăng ký hoạt động kinh doanh tàu du lịch loại nhỏ nhưng để đảm bảo an toàn cho du khách, đơn vị vẫn thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn các chủ phương tiện và thuyền trưởng tham gia đưa khách tham quan du lịch trên sông Mã. Yêu cầu chủ tàu, lái tàu chấp hành và thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa; các quy định về quản lý hoạt động của tàu du lịch tham quan.

Đồng thời, nhắc nhở và yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và đầu tư các trang thiết bị an toàn như: Áo phao, hệ thống định vị GPS, máy móc... Xây dựng phương án chủ động, sẵn sàng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.

Cảng vụ cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát an toàn các phương tiện hoạt động tại bến khách, đảm bảo chở đúng số lượng hành khách theo quy định; Trường hợp có thông báo bão lũ, áp thấp nhiệt đới, nhanh chóng thông báo cho các chủ phương tiện các vị trí neo đậu, chủ động ngừng cấp giấy phép rời cảng cho các tàu đưa khách.

“Để đảm bảo an toàn cho du khách, chúng tôi cương quyết không cho phương tiện hoạt động khi có diễn biến thời tiết xấu hoặc vào những ngày có nước lũ lớn từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời, trước và trong các đợt diễn biến mưa bão, đơn vị cắt cử cán bộ, nhân viên liên tục kiểm tra các phương tiện và xử lý nếu các tàu du lịch vẫn cố tình vận hành” - ông Sơn nói.

Còn tại Nghệ An, theo ông Phan Huy Chương - Phó ban An toàn giao thông tỉnh, địa phương có tuyến bờ biển dài, nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có loại hình dịch vụ du lịch trên sông, biển đi vào hoạt động. "Riêng đối với đường sông, có 2 bến đò ngang gồm bến đò Phuống (xã Bích Hào) và bến đò Cung (xã Tam Đồng), việc đi lại qua sông của người dân thưa dần, nhưng chúng tôi vẫn quản lý, kiểm tra chặt chẽ" - ông Chương cho biết.

Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Mới đây, sự cố chìm tàu chở khách du lịch câu mực ở biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) tối 19/7 là lời cảnh tỉnh, bài học đắt giá cho hoạt động khai thác, quản lý tàu chở khách trên biển. Mặc dù, 30 người được cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng nhưng còn đó những “lỗ hổng” đáng lo ngại cần sớm được khắc phục.

Ông Võ Tá Nhân - Chủ tịch UBND xã Thiên Cầm cho biết, tại Khu du lịch Thiên Cầm chỉ có duy nhất chiếc tàu Nguyễn Ngọc hoạt động chở khách du lịch trên biển. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại đoàn kết, chiếc tàu du lịch Nguyễn Ngọc của ông Nguyễn Trọng Hoàng chỉ được cấp phép hoạt động trên sông chứ chưa được cấp giấy phép hoạt động chở du khách trên biển.

Bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Tĩnh chia sẻ, ngay khi xảy ra sự cố chìm tàu ở Khu du lịch biển Thiên Cầm, lãnh đạo Sở và các phòng, ban liên quan đã tiến hành kiểm tra, nắm tình hình thực tế. “Vụ việc ở Thiên Cầm là tự phát, khách du lịch tự liên hệ với doanh nghiệp để đi câu mực. Nguồn gốc của tàu mới chỉ được cấp phép hoạt động du lịch trên sông, sau khi doanh nghiệp mua lại tàu thì chưa làm thủ tục để được cấp phép du lịch trên biển nhưng vẫn hoạt động” - bà Hiền thông tin.

Theo bà Hiền, việc cấp phép, quản lý tàu thuyền hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành chức năng. Sau khi sự việc xảy ra, phòng sẽ tham mưu cho Sở có văn bản giao Ban quản lý các khu du lịch siết chặt việc quản lý các tàu chở khách du lịch, đảm bảo cho các hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn.

Du khách được trang bị áo phao khi du lịch trên phá Tam Giang. Ảnh: N.Quốc.

Du khách được trang bị áo phao khi du lịch trên phá Tam Giang. Ảnh: N.Quốc.

Còn tại Huế, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt trong mùa mưa bão luôn được ngành du lịch quan tâm triển khai đồng bộ và chủ động.

Bà Trần Thị Hoài Trâm - Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho biết, để đảm bảo an toàn cho du khách khi đến Huế, đơn vị đã tham mưu UBND TP Huế ban hành quy chế quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn TP Huế. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác bãi tắm.

“Sở Du lịch TP Huế phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL tiến hành thanh tra định kỳ về việc chấp hành các quy định về du lịch như môi trường, cơ sở vật chất, cứu nạn, cứu hộ... Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành tại các khu du lịch ven biển, đầm phá để kiểm tra điều kiện an toàn, phương tiện vận chuyển khách (đặc biệt là tàu thuyền du lịch), trang thiết bị cứu hộ cứu nạn” - bà Trâm cho hay.

Theo bà Trâm, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt trong mùa mưa bão, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động tạm dừng các hoạt động du lịch trên sông, hồ, suối, thác khi có cảnh báo mưa lớn, giông lốc. “Các điểm du lịch cần bố trí đầy đủ lực lượng cứu hộ có chuyên môn, có phương án ứng phó khẩn cấp và hệ thống cảnh báo. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra định kỳ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm phòng ngừa rủi ro và đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện”- bà Trâm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, việc ứng phó với rủi ro thời tiết không còn là nhiệm vụ tạm thời mà phải tích hợp vào quy trình hoạt động thường xuyên của ngành du lịch. Chúng tôi khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản xử lý khẩn cấp, đào tạo nhân lực ứng phó và nâng cao nhận thức của du khách trong mùa mưa bão.

Ông Lê Công Năng - Chuyên gia du lịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế WonderTour): “Là người tổ chức tour, chúng tôi hiểu rất rõ áp lực “giữ khách - chạy chương trình - bảo vệ thương hiệu”, nhưng xin nhớ: Một chuyến đi bị hủy có thể được bù lại, còn một sinh mạng mất đi là mãi mãi. Đã đến lúc ngành du lịch Việt Nam cần nâng cấp chuẩn an toàn lên thành một chuẩn giá trị để tạo dựng niềm tin lâu dài. Sự trở về an toàn phải là đích đến đầu tiên của mọi hành trình”.

N.Chung - Đ.Minh - Đ.Bắc - N.Quốc - H.Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-lich-duong-thuy-bat-che-do-kiem-soat-cao-10311000.html