Cần hành động cấp thiết để khôi phục niềm tin cho công chúng và du khách
Thảm kịch vụ lật tàu du lịch vừa xảy tại vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh trong việc nâng cao an toàn nhằm khôi phục niềm tin cho du khách và công chúng. Đây cũng là kêu gọi của các chuyên gia tâm lý học và du lịch của Đại học RMIT Việt Nam đưa ra chiều ngày 23.7.
Khách du lịch tăng độ “cảnh giác”
Theo các chuyên gia, những sự cố như vậy thường gây ra một loạt cảm xúc phức tạp như sợ hãi, lo lắng, buồn bã… không chỉ với du khách mà cả với chủ tàu. Lượng khách du lịch cũng được dự báo sẽ sụt giảm phần nào đó, kéo theo đó là thu nhập của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng.

Du khách tăng độ "cảnh giác" sau vụ lật tàu du lịch tại vịnh Hạ Long
Tiến sĩ Joe Othman, giảng viên cấp cao ngành Tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, đối với du khách, nỗi lo lắng về sự mất an toàn cá nhân có thể gia tăng, cùng với đó là cảm giác dễ bị tổn thương và cả sự mất lòng tin vào chủ tàu. Đối với các chủ tàu, có thể xuất hiện cảm giác lo lắng về tác động lâu dài đến sinh kế và cả thương hiệu.
Theo tiến sĩ Joe Othman, Hạ Long là một địa phương không đông dân, nơi mọi người thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, các đơn vị kinh doanh du lịch có thể cảm nhận được nỗi đau tập thể và trách nhiệm cộng đồng.
Thạc sĩ Lê Huy Hoàng, bộ môn Tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam nhận định, các nghiên cứu về thảm họa hàng hải cho thấy cộng đồng địa phương có thể bị ảnh hưởng khi điểm đến du lịch bỗng trở thành nơi “tưởng niệm”.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Katrina Phillips - giảng viên cấp cao ngành Tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam phân tích, khi được chứng kiến hoặc nghe kể về một thảm họa như vụ việc ở vịnh Hạ Long, rủi ro vốn trừu tượng bỗng trở nên rất thật, điều đó làm tăng đáng kể mức độ cảnh giác và sợ hãi của du khách.
Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định du lịch trong tương lai, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già, những người có xu hướng hủy hoặc hoãn chuyến đi sau các sự cố như vậy, tiến sĩ Katrina Phillips phân tích thêm.
Kêu gọi hình thành văn hóa trách nhiệm
Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Justin Matthew Pang - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ, đối với du khách nước ngoài, họ không quen thuộc với đặc điểm thời tiết nên có thể đánh giá thấp rủi ro và vẫn mạo hiểm tham quan, khám phá vịnh Hạ Long.

Cần hình thành văn hóa trách nhiệm vì một ngành du lịch an toàn
Theo đó, tiến sĩ Pang nhấn mạnh rằng trách nhiệm chính thuộc về các chủ tàu và cơ quan chức năng, không phải khách du lịch. Tuy nhiên, du khách cũng nên chủ động kiểm tra dự báo thời tiết, đảm bảo rằng chủ tàu tuân thủ quy định an toàn và xác nhận các quy trình bảo hiểm, cứu hộ...
Để khôi phục lòng tin của công chúng và du khách, tiến sĩ Pang kêu gọi các chủ tàu phải quản lý nghiêm ngặt số lượng người trên tàu, đảm bảo đủ áo phao.... Đồng thời đề xuất cơ quan chức năng nên ban hành lệnh cấm toàn diện các hoạt động tàu thuyền khi thời tiết xấu, nhằm bảo vệ cả người dân địa phương lẫn du khách.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra an toàn, đánh giá các chủ tàu thường xuyên và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm từ cơ quan chức năng. Các chiến dịch truyền thông giáo dục cộng đồng và thông tin dự báo thời tiết rõ ràng sẽ đóng vai trò then chốt, tiến sĩ Pang nhấn mạnh thêm.
Dẫn chứng thảm kịch chìm phà MV Sewol tại Hàn Quốc năm 2014 đã cướp đi 304 sinh mạng . Lúc đó, Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách gây áp lực với các hiệp hội hàng hải, thành lập các tổ chức an toàn từ cơ sở và xây dựng văn hóa trách nhiệm.
Tiến sĩ Pang nhấn mạnh, Việt Nam có thể học tập cách làm của Hàn Quốc, chính quyền cần tăng cường xây dựng ý thức trách nhiệm chăm sóc hành khách đối với chủ tàu để lấy lại niềm tin từ người dân địa phương và khách du lịch, hướng đến tư duy vận hành an toàn và lấy khách hàng làm trọng tâm.
Theo thời gian, những hành vi nguy hiểm sẽ bị loại bỏ, từ đó hình thành một ngành du lịch an toàn, bền vững, được vận hành theo những chuẩn mực tốt nhất và có trách nhiệm, tiến sĩ Pang khẳng định.