Du lịch đường thủy TP.HCM: Mất 2 tiếng đi từ quận 1 đến quận 9
Đã hơn 4 năm từ khi UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 nhưng thành quả thì khiêm tốn, còn vướng mắc lại quá nhiều.
Tuyến du lịch đi quận 9 là 1 trong 07 tuyến sản phẩm du lịch đường thủy được xây dựng và nâng cấp có trong Kế hoạch 3546 ngày 08/06/2017 về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn giai đoạn 2017-2020.
Nhưng, đến nay, vì bị ảnh hưởng bởi dự án xây đập Năm Lý thông tuyến rạch Trau Trảu (nạo vét tuyến Rạch Chiếc, xây cầu thay thế đập Năm Lý, nâng cấp cầu Tăng Long, cầu Kinh) chưa hoàn thành, nên mất trung bình 2 tiếng để đi tuyến này từ quận 1 đến quận 9.
Trong khi nếu theo google maps thì khoảng cách từ bến Bạch Đằng - bến Tân Cảng đến điểm cuối là bến Chùa Hội Sơn là khoảng 28 km và chỉ cần một nửa thời gian như trên nếu di chuyển bằng ô tô.
Ngoài tuyến đi quận 9, theo Kế hoạch 3546, còn có 07 tuyến sản phẩm du lịch đường thủy được xây dựng và nâng cấp khác, gồm, tuyến du lịch Bình Quới - Bình Thạnh, tuyến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến đi quận 7, tuyến đi quận 8 và quận 5, tuyến đi Củ Chi và tuyến đi Cần Giờ.
Sở Du lịch TP.HCM đánh giá, việc đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch đường thủy chủ yếu thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không thực hiện bằng vốn ngân sách Thành phố nhưng hoạt động của nhiều tuyến chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng bởi còn hàng loạt vướng mắc.
Ví dụ với tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Công ty thuyền Sài Gòn đã đầu tư lắp đặt đài phun nước kết hợp trình diễn ánh sáng, vẽ tranh dưới chân cầu,…
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến nghiệm thu các công trình trên bờ, chưa có vị trí giữ xe cho du khách đến trải nghiệm,…
Hay với tuyến du lịch đi quận 7 bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp cầu Rạch Đỉa. Đây là cầu yếu, đỗ tĩnh không cầu thấp nên các phương tiện bị hạn chế lưu thông; cầu bến tiếp nhận chưa hoàn chỉnh nên số lượng các doanh nghiệp lữ hành khai thác còn hạn chế,…
Tựu chung, hầu hết các tuyến du lịch đường thủy ở TP.HCM đều gặp phải vấn đề liên quan đến quy hoạch hệ thống bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn chưa hoàn chỉnh.
Cảnh quan dọc hai bên các dòng sông, dòng kênh chưa tạo ra tính đặc trưng cho phát triển du lịch đường thủy; ô nhiễm môi trường do các phương tiện, công trình, nhà máy, dân sinh xả thải trực tiếp ra môi trường, lục bình trên sông,…gây khó khi lưu thông cho các phương tiện.
Sở Du lịch TP.HCM đánh giá, việc cải thiện, nâng cấp các sản phẩm du lịch đường thủy đã có, cũng như công tác đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy theo Kế hoạch 3546 còn chậm, chưa tạo được sự gắn kết đồng bộ, tương hỗ giữa các điểm đến du lịch.
Đại dịch kéo dài hơn một năm (dự kiến sẽ còn kéo dài) đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói chung.
Từ đó, dẫn đến môi trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có sự thay đổi, điều chỉnh như tập trung vào cung cấp phương tiện, thiết bị hơn là tổ chức dịch vụ do tâm lý lo ngại dịch bệnh.
Dưới tác động của đại dịch nên số lượng khách quốc tế giảm mạnh; nhu cầu cũng như ngân sách chi tiêu của du khách trong và ngoài nước cũng thay đổi và được đánh giá xu hướng vui chơi giải trí, chọn du lịch nghỉ dưỡng giảm.
Thêm vào đó, đặc thù của du lịch đường thủy là chi phí vận chuyển của các phương tiện cao, muốn đi trải nghiệm phải kết hợp với nhiều người.
Thời gian di chuyển cũng là 1 trong những yếu tố tác động mạnh đến quyết định của du khách, trong khi với một số tuyến, nếu chọn di chuyển bằng đường bộ sẽ nhanh và chủ động hơn.
Chưa hết, một số công trình giao thông đến nay vẫn chưa hoàn thành theo dự kiến, kéo theo ảnh hưởng đến việc xây dựng các chương trình du lịch đường thủy dự kiến xây dựng trong năm vừa qua.
Hiện, Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến 20230 trong quá trình hoàn thiện để công bố, nghiệm thu.
Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng khi đó, các sản phẩm du lịch đã được định hướng một cách bài bản sẽ là cơ sở nền tảng để triển khai thực hiện trong thực tế.
Và trước hàng loạt vướng mắc nêu trên, đơn vị này vừa có văn bản trình UBND TP.HCM xem xét lại tiến độ thực hiện Kế hoạch 3546, đặc biệt là các sản phẩm chưa xây dựng trong năm 2020.
Trong giai đoạn này, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực; các Sở, ngành,…nhằm nghiên cứu hệ thống cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, đánh giá mức độ khả thi của từng tuyến theo từng giai đoạn.
Từ đó, xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp để tham mưu đề xuất UBND TP.HCM trong công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm đường thủy nói riêng trong tương lai.
Với hơn 1.000 km, tiềm năng phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM chưa được khai thác với nguyên nhân được cho là "thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ đi kèm".
Theo Kế hoạch 3546 đến năm 2020, có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh, rạch nội đô; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng chương trình trên các tuyến du lịch đi Bình Quới với điểm đầu là cảng Sài Gòn - bến Tân Cảng, điểm cuối là bến Bình Quới 1 & 2.
Tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè có điểm đầu bến Thảo Cầm Viên - bến Thị Nghè, điểm cuối là bến chùa Candaransi.
Tuyến du lịch đi quận 7 với điểm đầu là bến Bạch Đằng, điểm cuối là bến khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Tuyến du lịch đi quận 5, quận 6 và quận 8 với điểm đầu là bến Bạch Đằng – bến Tân Cảng – bến cầu Mống, điểm cuối là bến chùa Long Hoa và bến Lò Gốm.
Tuyến du lịch đi Củ Chi với điểm đầu là bến Bạch Đằng - bến Tân Cảng, điểm cuối là bến Đình, bến Dược.
Tuyến du lịch đi Cần Giờ với điểm đầu là bến Bạch Đằng – bến Tân Cảng, điểm cuối là bến Ban Quản lý rừng phòng hộ, bến Tắc Suất, bến Cơ Khí.
Tuyến du lịch đi quận 9 với điểm đầu là bến Bạch Đằng - bến Tân Cảng, điểm cuối là bến chùa Hội Sơn.