Du lịch golf: 'Mỏ vàng' khai thác còn khiêm tốn
Du lịch golf được ví như 'mỏ vàng'. Nếu khai thác tốt, ngành kinh tế xanh Việt Nam có thể hồi phục mạnh mẽ.
Thị trường tăng trưởng hàng đầu
Thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho thấy, năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam được tổ chức World Golf Awards (WGA) vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới"; và năm thứ 5 liên tiếp được công nhận là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017 - 2021). Đây là lần thứ 2 Việt Nam vượt qua các điểm đến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia… nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "Thiên đường golf của châu Á". Tổng Giám đốc điều hành Asia Pacific Golf Group Mike Sebastian nhìn nhận, không có nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh và đồng bộ như ở Việt Nam.
Du lịch golf được coi là lợi thế mới để Việt Nam thu hút khách quốc tế. Hiện, Việt Nam có 100 sân golf đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho hay, Việt Nam đang là điểm đến du lịch golf quốc tế, bởi gần với các quốc gia có số người chơi golf tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… đồng thời với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có thể chơi golf quanh năm rất thuận lợi cho phát triển du lịch golf.
Du lịch Hà Nội cũng ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch golf. Đây là loại hình du lịch thể thao cao cấp, kết hợp việc chơi golf và khám phá, nghỉ dưỡng. Du lịch golf sẽ là một trong những sản phẩm du lịch quan trọng của Thủ đô trong giai đoạn tới. Sản phẩm này sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, các nước EU… Qua đó, giúp gia tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng trưởng cho tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí, bên cạnh các sân golf đẳng cấp quốc tế, chúng ta có nền văn hóa đặc sắc mà người du lịch golf muốn tìm hiểu. Riêng với 2 thị trường lớn nhất ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có mối quan hệ kinh tế và văn hóa, kết nối chặt chẽ.
“Đây là lý do lượng khách du lịch golf Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, trong 10 người Hàn Quốc đến Việt Nam thì có 8 người ít nhất 1 lần ra sân golf Việt Nam” - ông Phạm Thành Trí dẫn chứng.
Cần xây dựng mối liên kết
Việc phát triển du lịch golf sẽ thu hút du khách có mức chi tiêu cao đến Việt Nam, nhưng trong quá trình xây dựng, khai thác vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình khai thác.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Vũ Duy Thành thông tin, hiện giá thành sản phẩm du lịch golf Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực như Malaisia, Thái Lan… Nguyên nhân là do golf vẫn đang chịu mức thuế rất cao, bao gồm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT. Trong khi các nước như Thái Lan, Malaysia đã hình thành những tour trọn gói giá tốt gắn với du lịch golf nhờ sự vào cuộc hỗ trợ từ Chính phủ, hệ thống cung ứng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, lữ hành…
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho biết, các công ty lữ hành không mặn mà triển khai tour, vì mức chiết khấu của các sân golf dành cho công ty du lịch không cao, đồng thời phải đặt và thanh toán trước dịch vụ sân nên doanh nghiệp chỉ chọn làm tour dành cho đoàn, không phục vụ khách lẻ.
Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Phạm Tiến Dũng nêu rõ, để lữ hành có thể làm tour du lịch golf, doanh nghiệp du lịch cần phải hiểu rõ về gói sản phẩm dịch vụ của sân golf. Vì vậy để triển khai được tour du lịch golf, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có gói đánh golf với giá thấp hơn mức phí mà các sân golf áp dụng hiện nay.
Một yếu điểm khác của du lịch golf Việt Nam là sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE, caravan. Các sân golf chưa liên kết với nhau để hạ giá thành dịch vụ, chưa có giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản. Bên cạnh đó, các chương trình golf tour hiện chưa phong phú về nội dung nên doanh nghiệp lữ hành thiếu thông tin về thị trường khách nên chưa có những công ty du lịch chuyên khai thác du lịch golf.
Vì thế, để tạo sức hút cho du lịch golf, cần kết hợp chơi golf với các hoạt động du lịch thế mạnh của từng địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn về mặt văn hóa và trải nghiệm. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung tổ chức những giải đấu golf chuyên nghiệp và nghiệp dư, các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về golf để thu hút những người chơi golf và du khách thật sự quan tâm đến môn thể thao này ở trong nước, quốc tế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-lich-golf-mo-vang-khai-thac-con-khiem-ton.html