Du lịch Hà Nội 2024 vượt kỳ vọng
Hà Nội năm 2024 ghi dấu ấn đặc biệt với ngành Du lịch khi đón lượng khách vượt xa kỳ vọng.
Từ các lễ hội truyền thống đặc sắc, điểm đến văn hóa độc đáo, đến sự kiện quốc tế quy mô lớn, Thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ chinh phục du khách trong nước mà còn hấp dẫn bạn bè quốc tế. Hà Nội đang được xem là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ lỡ trong bản đồ du lịch toàn cầu.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách nhờ sự kết hợp độc đáo giữa lịch sử, văn hóa và hiện đại. Thành phố sở hữu nhiều di sản thế giới như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử như Hồ Gươm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, nét đẹp của phố cổ Hà Nội với 36 phố phường, những món ăn truyền thống như phở, bún chả, chả cá Lã Vọng... đã làm say lòng bao người. Cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại và các sự kiện văn hóa quốc tế, Hà Nội khẳng định vị thế là trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Với sự nỗ lực xây dựng không ngừng nghỉ, Hà Nội đã trở thành một Thủ đô lớn trong khu vực Đông Nam Á, từng bước hội nhập, vươn mình, sánh vai cùng các thủ đô trên toàn thế giới. Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Thành phố Hà Nội đang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu ngân sách lớn hằng năm. Vì vậy, để du lịch ngày càng phát triển, hấp dẫn du khách đến và quay lại, việc đổi mới cả nội dung lẫn hình thức đang được thành phố chú trọng.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các kế hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND thành phố, đã giúp cho hoạt động du lịch Hà Nội phục hồi, phát triển nhanh chóng sau COVID-19. Trong năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự tăng trưởng và phát triển toàn diện, đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm quan, trải nghiệm tại Hà Nội ngày càng tăng; các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển được triển khai đồng bộ, thống nhất giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, những kết quả của ngành Du lịch Hà Nội năm 2024 rất đáng ghi nhận, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch cũng như kinh tế toàn cầu suy thoái. Các cấp, ngành đã vào cuộc khá đồng bộ, giúp cho du lịch Hà Nội luôn tạo được ấn tượng trong mắt du khách. Trung tâm cũng đã được UBND thành phố giao nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm đối tác, thị trường trong và ngoài nước để hợp tác trên nhiều khía cạnh, góp phần thúc đẩy du lịch Thủ đô tăng trưởng mạnh.
Chuyển đổi số, hội nhập về du lịch
Theo Kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Sở Du lịch Hà Nội năm 2024, Sở tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội; duy trì vận hành hệ thống quản lý dữ liệu ngành của Sở Du lịch; duy trì, cập nhật dữ liệu phần mềm cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở cũng tiếp tục triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch Thủ đô gồm: cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn; khách du lịch, hành vi khách hàng; bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ mua sắm; dịch vụ ăn uống; dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn; doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; dịch vụ chăm sóc sức khỏe - y tế; hướng dẫn viên, thuyết minh viên; văn phòng đại diện nước ngoài; phương tiện vận chuyển khách du lịch: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Cùng đó, Sở hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng), thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại các quận, huyện Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất), sau đó đánh giá và triển khai nhân rộng trên toàn thành phố.
Sở Du lịch cũng hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch tại Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh…
Những tháng cuối năm, ngành Du lịch Thủ đô đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở bán nhiều chương trình du lịch Tết Ất Tỵ 2025 với đa dạng sự lựa chọn, mức giá khuyến mãi tốt nhất thông qua việc khuyến khích đăng ký sớm, tạo sức hút khách đặt tour, tăng sức mua tour du lịch dịp nghỉ lễ dài ngày cuối năm. Đồng thời, Hà Nội xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng, nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút du khách.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng 11/2024 ước đạt 677 nghìn lượt người, tăng 13,8% so với tháng trước, tăng 26% so với cùng kỳ (khách quốc tế ước đạt 495 nghìn lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 182 nghìn lượt). Tính chung 11 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5,8 triệu lượt người (khách quốc tế ước đạt trên 4 triệu lượt, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt gần 1,8 triệu lượt).
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết thêm, dịp cuối năm và đầu năm 2025, thành phố tiếp tục có nhiều chương trình hấp dẫn, tạo sân chơi, điểm đến an toàn, thân thiện, cũng như tăng cường giới thiệu văn hóa lâu đời, hình ảnh, con người Thủ đô đến bạn bè quốc tế.