Du lịch Hà Nội tiến bước dài
Trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Hà Nội đã 'bừng sáng' với lượng khách tăng mạnh, có thời điểm còn đạt mức tăng trưởng cao hơn cả thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu đáng mừng và tiếp tục là cơ sở để kỳ vọng về một kết quả tích cực trong những tháng cuối năm.
Phục hồi mạnh mẽ
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đã có bước tiến dài trong quá trình phục hồi. Việc Hà Nội tổ chức thành công SEA Games 31 cũng tạo cú hích lớn cho ngành du lịch Thủ đô. Với 8,61 triệu lượt khách và tổng thu 25,2 nghìn tỷ đồng, lượng khách và tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 đều gấp khoảng 3 lần cùng kỳ năm trước và gấp hơn 2 lần cả năm 2021.
Năm 2021 phần lớn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, thì hiện nay các đơn vị này dần khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt khoảng 30,1%; tăng 6,11% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó thấy được du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi ấn tượng ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, những con số nói trên là tín hiệu hết sức tích cực đối với ngành du lịch, cho thấy những nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô trong việc triển khai các giải pháp nhằm phục hồi ngành công nghiệp không khói.
“Ngành đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến và tổ chức các sự kiện, các lễ hội để thu hút du khách sau thời kỳ đại dịch Covid-19. Cùng với đó là tăng cường xây dựng nhóm sản phẩm du lịch mới có tính độc đáo, hấp dẫn có sự khác biệt, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách trong thời kỳ sau phục hồi. Tập trung vào xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện. Qua đó xây dựng niềm tin và sự thoải mái với du khách khi đi du lịch” - bà Giang cho biết.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cũng đánh giá cao hiệu quả của các sản phẩm du lịch mới: “Hội đã phối hợp với các đơn vị điểm đến và hãng hàng không Vietnam Airlines quảng bá sản phẩm du lịch Hà Nội trên các chuyến bay để kết nối mạnh mẽ hơn với du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm du lịch đêm tại những di tích nổi tiếng của Hà Nội cùng hoạt động sôi nổi của các tuyến phố đi bộ đã tạo nên sức sống mới cho du lịch Hà Nội, góp phần tạo hiệu quả cao trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của thành phố.”
Phát triển du lịch làng nghề
Được biết, Ngành du lịch Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An xã Yên Mỹ, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức…
Chứng kiến quê hương thay đổi từng ngày nhờ vào mô hình du lịch sinh thái, ông Đỗ Mạnh Tường, người dân xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường mới, nhiều du khách đã quay trở lại với khu sinh thái Hồng Vân. Kể từ khi được thành phố quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng du lịch bền vững, kinh tế địa phương đã có nhiều thay đổi từng ngày.”
Khẳng định vai trò của du lịch đối với sự tồn tại và phát triển của làng nghề, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) bày tỏ mong muốn có được sự quan tâm của địa phương đến vấn đề phát triển du lịch.
“Các đoàn khách du lịch nước ngoài tìm đến tham quan rất nhiều. Họ thích thú khi trực tiếp được trải nghiệm các công đoạn. Nhờ những đoàn khách du lịch mà sản phẩm dệt của chúng tôi vươn xa đến nhiều thị trường quốc tế” - bà Thuận chia sẻ.
Nói về vấn đề phát triển nguồn nhân lực làng nghề, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư trong xây dựng hình ảnh điểm đến, thời gian qua Sở Du lịch đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và với các cơ sở đào tạo uy tín về du lịch tổ chức được 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho gần 9000 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch để trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho các làng nghề, các điểm đến du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố”.
Đẩy mạnh quảng bá thu hút khách quốc tế
Năm 2022, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài sẽ được khôi phục để tăng cường thu hút du khách quốc tế. Dự kiến ngành du lịch Hà Nội sẽ tham gia hội chợ TOPRESA (Pháp), hội chợ JATA (Nhật Bản). Các hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn được duy trì, như trên kênh CNN quốc tế và nền tảng trực tuyến. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang nghiên cứu xây dựng các trang mạng xã hội chuyên nghiệp để quảng bá du lịch Thủ đô, phục vụ đa dạng đối tượng du khách.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Thủ đô phấn đấu từ nay đến cuối năm đẩy mạnh việc phục hồi, phát triển, đặc biệt là thu hút nhiều hơn khách quốc tế để đạt được mục tiêu đón từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022; phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế bằng 50% của năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE; khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phát huy thế mạnh của địa phương.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich-ha-noi-tien-buoc-dai-5692462.html