Du lịch Hà Nội vượt khó để thích ứng với xu hướng mới
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch đang từng bước vượt qua khó khăn để hồi phục. Sau một thời gian đình trệ, giờ đây thị trường du lịch đang mở ra những xu hướng mới buộc các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải chuyển động để thích ứng.
Sự sàng lọc khiến doanh nghiệp phải năng động hơn lên. Cánh cửa đón khách quốc tế vẫn đang đóng, buộc doanh nghiệp phải tìm lối đi phù hợp. Nhu cầu du lịch an toàn của du khách và khám phá sản phẩm độc đáo buộc các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cùng liên kết thu hút khách, xây dựng sản phẩm mới.
Lách qua cánh cửa hẹp
Trong khi du lịch nội địa đang từng bước hồi phục thì việc đón khách quốc tế trở lại vẫn chưa xác định được thời điểm. Bởi thực tế, dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp đón khách quốc tế ảnh hưởng lớn. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 1.190 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành, 35 doanh nghiệp vận chuyển, 130 điểm đến du lịch trên địa bàn, 74 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 1.290 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng hoạt động. Hiện Chính phủ chưa có quyết định chính thức nối lại đường bay quốc tế, hơn nữa dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, nhu cầu du lịch giữa các nước còn hạn chế nên việc đón khách nước ngoài vào Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian để trở lại nhịp độ như trước đây.
Tuy nhiên, trong khi thị trường du lịch rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới để duy trì hoạt động. Ngay thời điểm tháng 4, khi ngành Du lịch ảm đạm nhất, các đường bay trong nước hạn chế, đường bay quốc tế tạm dừng hoạt động, đã có doanh nghiệp thuê chuyên cơ riêng (charter) để đón các chuyên gia nước ngoài đang rất cần cho các lĩnh vực hoạt động của Việt Nam và được Chính phủ cho phép. Khi vào Việt Nam, khách phải cách ly, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Thuận An (Ascend Travel) là đơn vị tiên phong trong vấn đề này. Từ tháng 4 đến nay, Ascend Travel đã tổ chức 6 chuyến chuyên cơ đưa gần 200 khách từ các nước Anh, Nhật, Malaysia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc vào Việt Nam và sẽ tiếp tục tổ chức trong thời gian tới.
Bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Lữ hành Thuận An (Ascend Travel) cho biết, việc tổ chức các chuyến charter, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra, đòi hỏi các nhà điều hành phải cẩn thận và tỉ mỉ, nắm được các quy định, thủ tục, giấy tờ của từng vùng bay một cách chuẩn xác. Bởi tại thời điểm này, mỗi nước có những quy định khác nhau, từ việc xin thị thực nhập cảnh, xin giấy phép bay, hay lịch sử dụng phi công… tất cả đều khác so với bình thường và đòi hỏi những giấy tờ cũng khác nhau. Các nhà điều hành phải nắm chắc để tư vấn cho khách được chính xác, để có thể cất cánh và hạ cánh đúng theo kế hoạch. Việc tổ chức đón khách theo hình thức thuê chuyên cơ riêng được coi là sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp lữ hành Hà Nội để duy trì hoạt động, ứng phó với dịch COVID-19. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được hình thức này.
Trong điều kiện, các doanh nghiệp không đón được đoàn khách nước ngoài nào trong những tháng qua, thậm chí có thời điểm không tổ chức được cả tour nội địa, hướng đi mới như Ascend Travel được đánh giá cao. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, khi có khó khăn sẽ xuất hiện cơ hội, doanh nghiệp cần linh hoạt nắm bắt cơ hội thì sẽ thành công. Trong đại dịch COVID-19 cũng vậy, dù ngành Du lịch còn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã chủ động tìm những hướng đi mới, phục hồi hoạt động, từng bước tăng lượng khách.
Tăng tính liên kết
Ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, du lịch nội địa đã có những khởi sắc. Sở Du lịch Hà Nội cũng như một số địa phương trọng điểm du lịch, cùng các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện kích cầu du lịch. Việc kích cầu dựa trên cơ sở tăng cường liên kết cùng tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hay cùng giảm giá sản phẩm, dịch vụ.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, thời điểm này, các đơn vị cần tăng cường liên minh, phối hợp tốt hơn với nhau để có những bước đi đồng bộ, vững chắc. Doanh nghiệp lữ hành cần kết nối với các địa phương để đưa đón khách an toàn, phối hợp với các điểm đến để xây dựng các tour mới, hấp dẫn để kích thích nhu cầu du lịch của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm.
Ngay khi hoạt động du lịch nội địa quay trở lại từ đầu tháng 5, ngành Du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương như: Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình… Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội đảm nhiệm việc kết nối, quảng bá điểm đến; doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch cụ thể đảm bảo sự an toàn, hấp dẫn.
Mới đây, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội tổ chức kích cầu du lịch bằng đường sắt. Hai bên xây dựng các tour du lịch trọn gói đi lại bằng tàu hỏa đến các điểm du lịch như: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... và các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết: Thời gian tới, các doanh nghiệp du lịch lữ hành Hà Nội nói chung cũng như doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ nói riêng sẽ tiếp tục thuê nguyên chuyến tàu đưa du khách tới các điểm du lịch Huế, Lào Cai, Vinh...
Nhiều công ty du lịch cũng phối hợp với điểm đến xây dựng các tour du lịch mới, độc đáo để phục vụ nhu cầu du khách. Trong đó có thể kể tới: Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp cùng Ban quản lý di tích Hỏa Lò xây dựng tour du lịch khám phá di tích này về đêm, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội làm mới sản phẩm trên chất liệu cũ của Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí cũng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thu hút khách.
Cùng với sự tăng cường liên minh, liên kết, Sở Du lịch Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp đưa ra các gói sản phẩm kích cầu du lịch, khuyến mại giảm giá. Đến nay, đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu. Hơn 346 tour kích cầu đang được triển khai, trong đó có 15 tour trong nội thành Hà Nội, còn lại là tour sản phẩm liên kết đưa khách du lịch Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác.
Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy vậy, với sự năng động, sáng tạo cùng tinh thần vượt khó, du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ từng bước phục hồi, sớm lấy lại đà tăng trưởng.