Du lịch hậu đại dịch: 'Lò xo bị nén, chờ ngày bung ra'...
Dù đang cao điểm tăng cường các biện pháp phòng chống, tiến tới khống chế đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong nước, nhưng một số ngành nghề cũng đang tính đến kịch bản phục hồi thời hậu đại dịch. Trong đó, hoạt động du lịch được ví như chiếc 'lò xo' bị nén lâu ngày và chờ đến thời điểm phù hợp để 'bung ra', đáp ứng nhu cầu xê dịch của nhiều người sau thời gian dài bí bách vì thực hiện giãn cách...
Du lịch hậu đại dịch
Đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 (ghi nhận từ cuối tháng 4/2021 đến nay) diễn biến phức tạp, khó lường khiến các tỉnh, thành phía Nam và nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất. Thế nên hoạt động du lịch cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng gần như đã “đóng băng”, ưu tiên phục vụ công tác phòng chống dịch Covid - 19 với kỳ vọng sớm đẩy lùi, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Có thể nói, tác động tiêu cực từ đại dịch đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận, dẫn đến sự sụt giảm về chỉ tiêu đón khách và doanh thu ở mức chưa từng có. Dẫn chứng như trong tháng 8/2021, lượng khách lẫn doanh thu từ hoạt động du lịch tiếp tục giảm hơn 40% so với tháng trước đó, còn so cùng kỳ năm ngoái giảm lần lượt 93,37% và 94,09%. Riêng khách quốc tế trong tháng qua đón khoảng 330 lượt, tính chung từ đầu năm đến nay đối tượng khách này chỉ đạt 20.700 lượt, giảm hơn 87% so cùng kỳ năm trước...
Tình cảnh hiện nay khi phải thực hiện nghiêm yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó” thì hầu hết mọi người chỉ mong dịch bệnh cơ bản được khống chế, để tiếp tục công việc thường nhật hoặc tự do “xách ba lô và đi” sau bao ngày bí bách trong nhà. Mùa dịch này, nhiều người thân và bạn bè cho biết rất thèm cảm giác ngắm những rặng dừa xanh soi bóng trên bãi cát trắng mịn, thư giãn nằm nghe tiếng sóng vỗ bờ. Rồi tận hưởng không khí trong lành buổi sớm mai cùng làn gió mát thổi vào từ biển Đông, rong ruổi thăm lại những danh lam thắng cảnh ở vùng đất cực Nam Trung bộ, thưởng thức các món hải sản tươi ngon cho “bõ thèm”...
Tôi hiểu cảm giác của những “tín đồ” thích xê dịch, bởi ngay cả cư dân sinh sống quanh “thủ đô resort” vậy mà cả mùa hè qua cũng có không ít người chưa nhìn thấy biển, thèm dĩa gỏi cá suốt và mấy con điệp nướng hành mỡ... Mới đây, Booking.com - một chuyên trang về du lịch lớn của thế giới đã công bố top 10 điểm đến hàng đầu để chụp ảnh tại Việt Nam càng thôi thúc du khách sớm trở lại nơi đây. Kết quả này dựa trên số lượng đánh giá, bình chọn của gần 30.000 du khách ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có đề cập tới việc “chụp ảnh” tại đất nước hình chữ S, theo đó địa danh Mũi Né được xướng tên top 10 (cùng với Hội An, Sa Pa, Hà Nội, Hạ Long, Đà Lạt, Ninh Bình, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Huế). Thế nên, du lịch Bình Thuận gắn với hình ảnh “biển xanh - cát trắng - nắng vàng” và tiêu chí xây dựng, giữ vững thương hiệu điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng” được dự báo sẽ rất hút khách thời hậu đại dịch.
Trở lại hoạt động bình thường khi điều kiện cho phép, ngành du lịch địa phương cũng tính đến triển khai một số giải pháp phù hợp trong những tháng còn lại của năm nay và năm mới 2022. Trước hết tập trung tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến bằng nhiều hình thức, đặt tiêu chí “an toàn” lên hàng đầu và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại với các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn. Tiếp đó là phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án Quản lý đầu tư khai thác các tuyến điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP. Phan Thiết (Phan Thiết City tour). Ngoài ra, còn triển khai kế hoạch cuộc thi ý tưởng “Khát vọng Việt Nam”: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE số 1 khu vực và thế giới vào năm 2045... Qua đó cùng địa phương đưa du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận nhanh chóng phục hồi hoạt động, là điểm đến lý tưởng thời hậu đại dịch của đa số đối tượng khách.
QUỐC TÍN