Du lịch Hậu Giang đang từng bước khẳng định vị thế
Hậu Giang với hệ thống sông ngòi cùng cảnh quan thiên nhiên nổi bật, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch nông nghiệp xanh, du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm sông nước, du lịch nghỉ dưỡng… rất hấp dẫn. Qua đó, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Đến nay, Hậu Giang đã hình thành nhiều điểm du lịch nổi bật để du khách trải nghiệm tại vùng sông nước miệt vườn; tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả (Homestay Mương Đình, Vườn dâu Thiên Ân, Homestay miệt vườn TP Ngã Bảy, Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân...). Mỗi điểm đến là một sự trải nghiệm độc đáo và mới mẻ, sẽ để lại trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến với vùng đất đậm nghĩa tình này.
Ông Nguyễn Út Em, chủ Homestay Mương Đình cho biết, điểm nhấn cho du khách trải nghiệm về miền sông nước là phải chèo ghe len lỏi vào kênh rạch, hái bần, hái dừa nước hoặc đi ngắm hoàng hôn. Hậu Giang còn nhiều nơi rất thích hợp làm du lịch trải nghiệm vì còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thủy, mộc mạc mà thiên nhiên ban tặng thích hợp cho những du khách tìm nơi nghỉ dưỡng, tránh sự ồn ào của phố thị, hưởng một bầu không khí mát mẻ, trong lành và cuộc sống bình dị đời thường.
Theo ông Út Em, về loại hình du lịch này Hậu Giang là vùng đất rất màu mỡ để khai thác. Đó là chưa kể đến nét đặc trưng của văn hóa nếp sống của con người Hậu Giang mộc mạc, nghĩa tình. Đây đều là chất liệu để khai thác phát triển du lịch rất tốt. Quan trọng là cần khai thác phù hợp để góp phần vào sự phát triển của du lịch Hậu Giang.
Tương tự, bà Trần Hạnh, chủ Homestay miệt vườn TP Ngã Bảy chia sẻ, để khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh, không chỉ kêu gọi người dân cùng làm, mà Nhà nước phải tiếp sức. Từ đó, người dân mạnh dạn khai thác đầu tư những sản phẩm, sản vật làng nghề bản địa để giới thiệu và trao đổi mua bán. Hơn nữa phải khai thác từ trong dân, được như vậy người dân mới có thêm động lực và niềm tin để mạnh dạn làm du lịch. Cạnh đó, để du lịch Hậu Giang phát triển một cách bền vững và ngày càng khẳng định vị thế ngành công nghiệp không khói thì người làm du lịch phải hiểu được giá trị của phát triển du lịch.
Theo bà Hạnh, do lợi thế của Hậu Giang nói chung và TP Ngã Bảy nói riêng là miệt vườn, cây trái nên khai thác thế mạnh này làm du lịch sẽ rất thu hút khách. “Vì lẽ đó, tôi đã tạo nên điểm du lịch đặc thù đúng chất miền sông nước. Khi đến đây, du khách sẽ trực tiếp thưởng thức các loại bánh dân gian do chính bàn tay khéo léo mà các nghệ nhân địa phương làm ra: bánh khoai mì, bánh tằm, bánh lá, cháo cá, cháo gà, ốc luộc nước mắm sả… sẽ được bày bán tại chỗ”. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm từ nấu nướng, câu cá, nướng cá, hái rau, tự nấu những món ăn đồng quê mà mình thích. Độc đáo ở chỗ du khách sẽ được hồi ức lại mùi vị mộc mạc mà thấm đượm nghĩa tình.
Trao đổi với PLVN, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hậu Giang Nguyễn Thị Lý thông tin, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh, Hậu Giang sẽ tiếp tục khai thác loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp và văn hóa. Với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Song, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện chương trình OCOP; phát triển các sản phẩm OCOP thành sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch là điều cần thiết phải triển khai ngay.
Hiện nay, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn đã chỉnh trang ngoại cảnh, bổ sung dịch vụ. Về ẩm thực du khách sẽ thưởng thức những món ngon hấp dẫn mang đậm chất vùng quê: các món ăn từ khóm Cầu Đúc, củ hủ khóm, đọt choại, cá thát lát, trà mãng cầu… Đây là những ẩm thực đặc trưng của Hậu Giang nằm trong kế hoạch của tỉnh trong việc phát triển du lịch kết hợp ẩm thực để giữ chân du khách qua những hương vị từ món ăn - bà Lý chia sẻ.