Du lịch Hawaii hậu Covid-19: Giá trị bản địa đang lên ngôi
John De Fries, người Hawaii bản địa đầu tiên lãnh đạo cơ quan quản lý du lịch địa phương, đã chia sẻ với The New York Times (NYT) về sự cân bằng tinh tế giữa du lịch, văn hóa và môi trường.
Khi mẹ của ông John De Fries còn học trung học vào những năm 1940, bà bị cấm nhảy điệu hula và nói tiếng Hawaii, ngôn ngữ của tổ tiên bà. Ngôi trường bà theo học là dành cho trẻ em gốc Hawaii, nhưng thay vì khuyến khích học sinh đón nhận di sản đó, chính quyền địa phương lại tìm cách xóa bỏ nó.
Quay lại các giá trị bản địa
Ông De Fries nhớ lại: "Cả thế hệ đó là sản phẩm phụ của quá trình Mỹ hóa, phương Tây hóa sâu rộng. Nhưng điều trớ trêu là, 51 năm sau, chắt gái của bà tốt nghiệp cùng một trường, và đến lúc đó, việc thông thạo tiếng Hawaii bản địa lại trở thành một yêu cầu bắt buộc. Nhưng phải mất đến nửa thế kỷ để đạt được điều đó".
Vào tháng 9 năm 2020, khi ngành du lịch của Hawaii lao dốc nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ông De Fries đã đảm nhận vai trò quản lý du lịch hàng đầu tại bang quê hương của mình, trở thành người Hawaii bản địa đầu tiên giữ vị trí này. Với tư cách là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Cơ quan Du lịch Hawaii, ông hiện chịu trách nhiệm hỗ trợ ngành công nghiệp du lịch địa phương. Trước khi đại dịch diễn ra, du lịch đã mang về cho tiểu bang này 2 tỷ đô la tiền thuế và sử dụng hơn 200.000 người.
Ông De Fries chia sẻ rằng, cách đây vài năm, công việc chính của cơ quan du lịch địa phương là xây dựng thương hiệu cho Hawaii và quảng bá nơi này tới các du khách tiềm năng. Cơ quan này vẫn làm những việc đó, nhưng ngày nay, họ đã mở rộng thêm việc quảng bá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng và văn hóa Hawaii.
Ông De Fries lớn lên ở vùng biển Waikiki (nay là một khu vực thu hút đông khách du lịch) vào những năm 1950. Vùng biển nơi này từng là nơi nhiều thế hệ người dân địa phương đánh bắt cá, tìm kiếm thực phẩm, sau đó là nguồn thuốc (từ rong biển và nhím biển và những thứ khác). Vùng biển này cũng là nơi vui chơi, giải tỏa căng thẳng cho người dân địa phương. Có một thứ tự được phân cấp ở đó: thực phẩm, thuốc men, giải trí. "Nhưng trong quá trình phát triển hiện đại của Waikiki, chúng tôi đã đảo ngược thứ tự đó và đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu"- ông De Fries cho biết.
Hướng tới mô hình du lịch bền vững
Vì vậy, khi tìm kiếm một mô hình du lịch bền vững, ông De Fries cho rằng Hawaii phải quay lại con đường truyền thống, ưu tiên phục vụ những mục tiêu cơ bản của đời sống một cách lành mạnh và tránh quá tập trung vào hoạt động du lịch. Trước đại dịch, lượng khách đến Hawaii đã đạt kỷ lục là 10,4 triệu người, tính đến hết năm 2019. Người Hawaii bản địa luôn hiểu rằng khả năng duy trì sự sống của họ nằm ở giữa Thái Bình Dương và giữa môi trường tự nhiên.
Và đại dịch Covid-19 đã mang đến cả hệ lụy tích cực và tiêu cực cho nơi này. Về lượng khách, vào tháng 7 năm 2020, gần như không có khách đến thăm nơi này. Theo ông De Fries, ngành du lịch yên lặng hoàn toàn và nhiều người làm nghề bị mắc kẹt, bị tổn thương.
Tuy nhiên, đối với cộng đồng địa phương, đó là một sự phấn khích khi không còn tắc đường, không còn những đám đông ở bãi biển. Các công viên bãi biển rộng mở hơn. Những con đường mòn trong rừng cũng thoáng đãng. Và cư dân địa phương cảm thấy như đã lấy lại được hòn đảo của mình, ông De Fries nói.
Dù vậy, ở cương vị của mình, ông De Fries cũng nhận thấy một khối lượng công việc khổng lồ cần làm để phát triển du lịch theo một hướng mới. Theo ông De Fries, mỗi hòn đảo tại Hawaii đều phát triển kế hoạch hành động của riêng mình, vì vậy chiến lược du lịch mới sẽ tùy biến đối với các hòn đảo. Tuy nhiên, mục tiêu chung là để cho cộng đồng có cơ hội đóng góp và hưởng lợi từ mô hình du lịch bền vững này.
Dù ông De Fries cho rằng quá trình này sẽ rất căng thẳng khi có nhiều luồng ý kiến khác nhau, như có người nghĩ rằng 6 triệu khách mỗi năm là đủ nhưng một số khác lại nói rằng có thể kiếm được 10 triệu khách hay còn hơn nữa, nhưng cuối cùng họ sẽ đi đến một thỏa thuận cởi mở và dân chủ.
Đối với người dân bản địa, ông De Fries cho rằng họ cần cảm thấy bản sắc văn hóa, cách sống của họ đang được coi trọng. Và quan chức này cũng lạc quan về điều đó vì các du khách với những nhận thức mới sẽ mang lại cảm giác này cho người dân địa phương. Khi thị trường du lịch ngày càng muốn cảm nhận những trải nghiệm văn hóa đích thực hơn, thì các hoạt động bản địa sẽ ngày càng có giá trị thương mại.
Còn đối với du khách, trong khi cư dân địa phương có trách nhiệm tiếp đón du khách theo cách phù hợp thì du khách cũng cần nhận thức rằng họ đang đến thăm nhà của ai đó, khu phố của ai đó, cộng đồng của ai đó. Theo ông De Fries, tiếp cận du lịch theo cách đó sẽ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho cả du khách và người dân địa phương.