Du lịch học đường cần sự sát sao và chuyên nghiệp
Mấy năm gần đây, du lịch giáo dục, hay còn gọi là du lịch học đường trên địa bàn tỉnh được phát triển như một xu hướng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở du lịch phối hợp với các nhà trường tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm phù hợp với từng lứa tuổi học sinh vào các ngày nghỉ, kỳ nghỉ. Qua đó giúp trẻ được vui chơi, giảm áp lực học tập, vừa tìm hiểu, trau dồi kiến thức, kỹ năng thực hành trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì mới mẻ nên việc tổ chức các tour có phần xô bồ, chất lượng chưa cao.
Cần sự sát sao từ phía nhà trường
Cuối tháng 5 vừa qua tôi có dịp đồng hành cùng các em nhỏ trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) thực hiện tour du lịch trải nghiệm tại Thủ đô Hà Nội viếng Lăng Bác và thăm quan làng gốm Bát Tràng. Tour du lịch trải nghiệm do nhà trường phối hợp Trung tâm Phát triển tài năng Superkids Việt Nam tổ chức.
Theo lịch trình, 5h học sinh có mặt tại trường để xe xuất phát, đảm bảo khoảng 7h30 có mặt thăm quan ở Lăng Bác Hồ, đến 11h nghỉ ăn trưa và 12h30 đi làng gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, gần 6h những chiếc xe đầu tiên mới xuất phát, thậm chí có lớp hơn 6h mới xuất phát khiến lịch trình bị chậm. Trong chương trình có ghi rõ sẽ thăm nhà làm việc, ao cá nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, nhưng quá trình di chuyển một số hướng dẫn viên (HDV) dẫn đoàn bỏ qua bảo tàng, hoặc chùa Một Cột. Nếu có qua bảo tàng thì ở tình trạng lướt qua rất nhanh, các em nhỏ không thể theo kịp khiến cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh đi cùng hết sức vất vả trong việc quản các em tránh bị lạc. Khoảng 13h30 phút, các đội tiếp tục lên xe di chuyển đến làng gốm Bát Tràng. Theo HDV giới thiệu: Khi đến Bát Tràng học sinh bách bộ trên con đường làng thăm quan Bát Tràng, xưởng làm gốm, cửa hàng bán gốm, tìm hiểu quy trình làm gốm, tự tay vuốt, vẽ, nặn làm gốm do các nghệ nhân hướng dẫn, tô tượng làm quà kỷ niệm và tham gia chương trình teambuilding sôi động. Với khoảng thời gian eo hẹp và không gian cũng chật hẹp không đủ sức chứa cũng như phục vụ cho trên 800 học sinh, nên hoạt động trải nghiệm ở đây mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa”. Kết thúc hành trình, khi được hỏi cảm nhận như thế nào về chuyến thăm quan, trải nghiệm, các em nhỏ đồng thanh: Nóng, mệt và bẩn (vì nặn gốm). Còn một số phụ huynh lắc đầu ngao ngán: Đây là chuyến đi "hành xác"!
Vẫn biết đó không phải lỗi chủ quan, nhưng nhiều phụ huynh cho rằng nếu nhà trường kỹ lưỡng hơn trong khâu chọn đối tác và có những quy định rõ ràng, chặt chẽ thì chất lượng tour du lịch sẽ cao hơn.
Và sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp lữ hành
Du lịch học đường là một sản phẩm mới giá tour rẻ, dẫn đến chất lượng tour thấp, dịch vụ và công tác tổ chức sơ sài, thiếu chuyên nghiệp. Đó là thực trạng.
Ngay trong tour du lịch viếng Lăng Bác và thăm quan trải nghiệm làng gốm Bát Tràng của trường tiểu học Lý Tự Trọng vừa qua thấy rõ những "hạt sạn” này. Vì ôm đồm quá đông học sinh ở tất cả các khối lớp dẫn đến quá tải. Có xe 35 chỗ nhưng phải ngồi đến 40 người, trong đó có cả phụ huynh. Vì yêu cầu mỗi lớp phải có 1 HDV nên phía Superkids Việt Nam phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó có một số là cán bộ đoàn ở các xã, phường trên địa bàn thành phố. Theo lịch trình khi lên xe ổn định chỗ ngồi, ăn sáng xong các HDV sẽ tổ chức các trò chơi vui nhộn, hát, kể chuyện, đố vui, khoa học lý thú phù hợp với lứa tuổi như: Khúc nhạc biến tấu, rap IQ, trúng số, đứng nằm ngồi, đếm ếch, nối từ, tạo mẫu tóc, vua Hùng kén rể... và giới thiệu khái quát về tour du lịch Lăng Bác - Bát Tràng. Nhưng theo phản ánh từ các phụ huynh thì phần đa HDV trên các xe không thực hiện được những hoạt động này.
Du lịch học đường là hoạt động ngoại khóa dành cho lứa tuổi từ mầm non tới THPT, được tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa thăm quan, trải nghiệm, khám phá nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho học sinh. Sự kết hợp giữa việc học mà chơi, chơi mà học được xem như một giải pháp giúp các em có thời gian vui chơi, giảm căng thẳng và áp lực trong việc học tập. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành đưa ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường du lịch. Tuy nhiên, muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch học đường thiết nghĩ cần có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và du lịch để có chiến lược phát triển bài bản, với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, có chiều sâu chất lượng. Hướng tới sự hài lòng cho một thế hệ du khách trong tương lai.
Lam Nguyệt
(Hội Nhà báo tỉnh)