Du lịch Huế: Đừng để đi sớm, về muộn - Kỳ 1: Tiên phong nhưng chưa bứt phá

Thừa Thiên Huế là địa phương giàu tài nguyên du lịch bậc nhất ở Việt Nam với đa dạng loại hình du lịch và từng nằm trong top đầu cả nước về thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, bức tranh chung về du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Nỗi lo du lịch Huế 'đi sớm, về muộn' đang hiện hữu.

Huế đã sớm xây dựng những sản phẩm du lịch, nhưng khi các tỉnh, thành bạn bắt tay vào làm du lịch, họ lại có khả năng bứt phá nhanh hơn. Một trăn trở lớn là du lịch Huế bị đánh mất cơ hội ngay trên… sân nhà.

 Văn hóa di sản là thế mạnh của du lịch Huế

Văn hóa di sản là thế mạnh của du lịch Huế

Lo… trên sân nhà

Nhiều lần theo chân đoàn công tác ngành du lịch tỉnh đón khách tàu biển cập cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc), chúng tôi bất ngờ khi dàn xe du lịch của các công ty lữ hành đậu ở cảng chuẩn bị đón khách đa phần mang biển số 43. Lãnh đạo Sở Du lịch và các doanh nghiệp thông tin đầy luyến tiếc: “Rất nhiều chuyến tàu cập cảng, tỷ lệ khách lên TP. Huế chỉ chiếm khoảng 30%, còn phần đông vào Đà Nẵng, Hội An”. Đó là một thực tế đáng trăn trở, bởi cảng Chân Mây nằm ở đất Huế và việc không thể hút khách đến các điểm du lịch Cố đô theo cách nói chua xót của nhiều người là dường như du lịch Huế đã phần nào thua trên sân nhà.

Trăn trở lớn vì khách tàu biển là dòng khách hạng sang, khả năng chi tiêu lớn. Mỗi đoàn tàu chở theo hàng ngàn hành khách cùng thủy thủ đoàn. Nếu thu hút được lượng khách xuống tàu, lên Huế trải nghiệm dịch vụ du lịch, nguồn thu cho du lịch Huế không chỉ là vé tham quan, dịch vụ ăn uống mà còn nhiều khoản khác để giúp du lịch Huế tăng trưởng mạnh mẽ.

Chuyện khách tàu biển chỉ là một trong những nỗi lo hiện hữu. Ngay tại huyện Phú Lộc, một thực trạng dễ bắt gặp là rất đông khách ra Lăng Cô thưởng thức hải sản, nhưng tối lại vào Đà Nẵng vui chơi, lưu trú. Làm một cuộc phỏng vấn nhanh du khách, đa phần phản hồi lý do vì Huế thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm. Chị Nguyễn Ngọc Diễm My, du khách Nghệ An chia sẻ: “Phải thừa nhận Huế rất đẹp, đồ ăn ngon, nhiều điểm tham quan, nhưng Huế lại thiếu chỗ chơi, đặc biệt là mua sắm, vui chơi về đêm. Vẫn biết, đi ăn một chỗ, chơi một chỗ rất mất công, nhưng vì Huế chưa đáp ứng được điểm vui chơi cho khách, nên nhiều vị khách, trong đó có chúng tôi chưa thể ngủ lại ở Huế”.

Du khách trải nghiệm trên đầm phá Tam Giang

Du khách trải nghiệm trên đầm phá Tam Giang

Từ những năm đầu của thập niên 90, tỷ lệ thời gian lưu trú của khách ở Huế khoảng 2,2 ngày. Nhưng nhiều năm trở lại, Huế vẫn chưa thể “thuyết phục” được khách để nâng tỷ lệ lưu trú quá 2 đêm, bình quân hiện nay là 1,8 đến gần 2 ngày. Ngoài yếu tố khách quan là du lịch cả nước phát triển, dẫn đến chia sẻ lượng khách, chu kỳ đi du lịch của khách ngắn ngày hơn thì không thể phủ nhận câu chuyện giữ chân khách ở lại còn khó do sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng.

Khi Huế không còn là ưu tiên hàng đầu

Huế cùng với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từng là những địa phương dẫn đầu cả nước về thương hiệu du lịch. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, giai đoạn từ những năm 1990 - 1995, khách từ các nước châu Âu đến Huế rất đông. Từ năm 1995, thị trường khách du lịch quốc tế đến Huế được mở rộng hơn và ở thời điểm ấy nhiều người khi nghĩ đến du lịch Việt Nam là nhắc đến du lịch Huế - Sài Gòn - Hà Nội.

So với cả nước, Huế được xem là giàu tài nguyên du lịch bậc nhất khi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từ văn hóa di sản, biển, đầm phá, suối thác, sinh thái, cộng đồng, tâm linh, lễ hội… Nhiều người ví von, ở Huế đi cả tháng cũng không hết điểm du lịch.

Mọi chuyện có vẻ khác đi khi đến năm 2000, các địa phương bắt đầu quan tâm đến du lịch vì nhìn thấy cơ hội phát triển của ngành công nghiệp không khói. Họ tập trung kêu gọi đầu tư, ra đời các dịch vụ du lịch, tạo sự cạnh tranh du lịch giữa các địa phương. Cũng từ đó đã giảm cơ hội phát triển du lịch cho Huế. Qua thời gian, từ những địa phương không quá nhiều tiềm năng về du lịch nhưng được tập trung khai thác, nhiều tỉnh, thành đã định hình được thương hiệu du lịch. Và khi có quá nhiều sự lựa chọn các điểm du lịch, thì tất yếu, du lịch Huế không còn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

 Du khách cùng người dân xem lễ hội đường phố tại Festival Huế 2024

Du khách cùng người dân xem lễ hội đường phố tại Festival Huế 2024

Ông Đào Trọng Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Việt Nam - Hà Nội cho biết, công ty của ông đã có mặt ở Huế 30 năm nay. Thời điểm những năm 1994 - 1995, Huế phát triển rất tốt và thu hút khách nước ngoài. Với những “báu vật” là sông Hương, núi Ngự, các lăng tẩm, di sản văn hóa Huế đã phát triển du lịch trong khi thời điểm đó Hội An chưa nhiều người biết đến. Tuy nhiên, sau này lại có cảm giác Huế trầm buồn, da diết, phát triển chậm hơn trong khi những địa phương khác lại bứt phá lên.

Đánh giá công bằng, du lịch Huế vẫn có nhiều bước phát triển, thông qua việc tăng trưởng về lượng khách và được vinh danh với nhiều giải thưởng về du lịch quốc tế. Chín tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt gần 3,1 triệu lượt, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 996.000 lượt, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú ước đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu so sánh với giai đoạn trước, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, chỉ xét riêng lượng khách đến di tích, giai đoạn trước những năm 2000, lượng khách trung bình khoảng 100.000 - 300.000 lượt, trong khi đó, giai đoạn trước dịch (năm 2019), khách đến di tích đã khoảng 3 triệu lượt. Du lịch Huế không đi xuống, nhưng tốc độ phát triển không nhanh bằng một số địa phương bạn.

 Hoạt động giao lưu bài chòi tại chương trình Chợ quê ngày hội ở Cầu ngói Thanh Toàn (TX. Hương Thủy)

Hoạt động giao lưu bài chòi tại chương trình Chợ quê ngày hội ở Cầu ngói Thanh Toàn (TX. Hương Thủy)

Những người yêu du lịch Huế khá lo lắng khi so sánh với các địa phương bạn. Điển hình như mới đây, trong một thông tin được đăng trên Cổng thông tin Điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù Huế vẫn được xếp vào top các địa phương thu hút khách dịp lễ 2/9 với 130.000 lượt khách, nhưng nhìn vào con số các tỉnh thành khác, sức hút của du lịch Huế có phần “yếu” hơn nhiều. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh ước đón 980.000 lượt khách; Hà Nội đón 672.900 lượt; Hải Phòng 580.000 lượt; Khánh Hòa 578.219 lượt; Bà Rịa - Vũng Tàu 555.984 lượt; Quảng Ninh 455.000 lượt; Thanh Hóa 395.700 lượt; Bình Thuận 385.000 lượt (tăng gấp 3,3 lần); Nghệ An 320.000 lượt; Đà Nẵng 308.000 lượt... Còn xét về doanh thu, một người đồng nghiệp ở báo bạn của tôi tỏ ra trăn trở với câu nói: “Tổng thu du lịch Huế kỳ nghỉ lễ ước đạt 132 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của địa phương bạn là Đà Nẵng là hơn 1.200 tỷ đồng”.

Rõ ràng, với bề dày lịch sử, Huế đã chú trọng và tiên phong khai thác nhiều loại hình, sản phẩm du lịch. Nhưng để định hình thương hiệu du lịch trong lòng du khách, có chăng người ta nhớ nhiều đến văn hóa di sản. Ngay cả hệ thống đường bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, có vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh biển đẹp của thế giới thì du lịch biển của Huế vẫn chưa thực sự thu hút nhiều khách ngoài địa phương, thậm vẫn đang bị đánh giá nghèo dịch vụ. Hay, hệ thống đầm phá ở Huế có lợi thế phát triển du lịch, nhưng trải qua nhiều năm, vẫn chưa có những sản phẩm được khai thác một cách bài bản.

Nhiều người đã nửa đùa, nửa thật: “Du lịch Huế đi sớm, về muộn, cứ đều đều như nhịp sống Huế và dòng chảy của sông Hương”. Nhận xét ấy có phần khập khiễng, nhưng đáng suy ngẫm. Bởi ở góc độ phát triển, dù có thể hơn chính mình hôm qua, nhưng bước chậm hơn địa phương bạn, thì nguy cơ lâu dài, có thể bị chậm lại phía sau.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/du-lich/du-lich-hue-dung-de-di-som-ve-muon-ky-1-tien-phong-nhung-chua-but-pha-146556.html