Du lịch hướng tới tương lai

Hàng triệu lao động mất việc làm. Du lịch mới khôi phục một phần hoạt động. Không ít người bi quan lo ngại cơn khủng hoảng mới chỉ khởi đầu, tuy thế những người lăn lộn với du lịch hàng chục năm nay nuôi niềm tin mạnh mẽ.

Du khách nội vẫn đang là cứu cánh cho du lịch Việt Nam Ảnh: KỲ SƠN

Du khách nội vẫn đang là cứu cánh cho du lịch Việt Nam Ảnh: KỲ SƠN

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT

Hoạt động du lịch nội địa dần phục hồi sau chính sách kích cầu nội địa Người Việt Nam du lịch Việt Nam. Tuy thế mới đây, Tổng cục Du lịch vừa sơ kết 6 tháng đầu năm đưa những con số đầy trăn trở. Các trung tâm lớn như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng dần đông khách nhưng nhiều cơ sở lưu trú vẫn cửa đóng then cài vì vắng khách.

Dịch bệnh khó lường khiến bức tranh du lịch thế giới chưa mấy sáng sủa. Chuyên gia của Tổ chức Du lịch Thế giới dự đoán, khủng hoảng mới ở giai đoạn đầu. Du lịch quốc tế sớm nhất đầu 2021, thậm chí hết năm sau may ra phục hồi. Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý ngành du lịch không nên quá lạc quan, bởi quá nhiều điều đáng lo ngại chờ phía trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam tới nay mới gần 3,7 triệu lượt, giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu giảm gần một nửa. Trong nửa năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, khoảng 148 doanh nghiệp lữ hành quốc tế không trụ nổi, nộp đơn xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Công suất buồng phòng ngày thường chỉ đạt 30-50%, dù bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch trong nước.

“Thị trường nội địa bắt đầu phục hồi nhưng chưa thể bằng trước. Tích lũy về lượng chưa đủ để thay đổi về chất. Vì vậy Tổng cục cần có giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa hơn nữa, làm sao để người Việt thích du lịch trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. Khách nội không thể mang lại doanh thu cao như quốc tế, tuy nhiên có 12 triệu người Việt mỗi năm bỏ hàng nghìn đô la du lịch nước ngoài. Chinh phục được một phần khách khó tính nhưng có mức chi cao là một trong những mục tiêu của ngành.

BỚT TA THÁN

Mấy chục năm lăn lộn thấm hết thăng trầm của nghề, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nhận định tình hình có hai chiều hướng, một bên đầy bi quan, bên còn lại quá tích cực. “Chúng ta cần cân bằng, biết là khó đấy nhưng nếu cố gắng chắc chắn tốt hơn. Không thể lúc nào cũng than vãn, thấy nước này nước kia còn dịch bệnh rồi chui trong chăn rên hừ hừ”, ông Bình nói.

Khoảng hai tháng kích cầu đem lại sự hồi sinh bước đầu, thế nhưng vẫn có những người e ngại rằng mức giảm giá ưu đãi như hiện tại không đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, thậm chí còn khiến doanh nghiệp thua lỗ hơn. Không đồng tình, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm: kích cầu là để mọi người cùng vào cuộc, làm sống lại các hoạt động kinh tế chứ không phải coi lợi ích kinh tế lên trên hết, phải lấy không khí hoạt động để đẩy mọi thứ lên.

“Đã là kích cầu không nói đến quyền lợi cá nhân nữa. Vất vả rồi, khó khăn rồi thì cố thêm chút nữa để khách đông hơn thì kinh doanh trở lại. Còn nếu chỉ ngồi chờ kinh doanh trở lại có khi chết trước khi hết dịch. Mục tiêu của kích cầu là làm mọi hoạt động trơn tru. Người dân du lịch đến vùng nào đó tiêu pha một chút thì lực lượng phục vụ du lịch ở khu vực ấy bắt đầu trỗi dậy đi trồng rau, chăn nuôi. Có như vậy cuộc sống mới trở lại bình thường, làm sống lại các hoạt động đang trầm lắng. Hiệu quả là quá trình chứ không thể nay kích cầu nay mai có tiền ngay. Tiền kích cầu không phải là tiền để nuôi dưỡng một người mà để nuôi dưỡng ý chí khắc phục khó khăn”, ông Vũ Thế Bình phân tích.

Với tinh thần này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM 2020 từ 12-15/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, với chủ đề ý nghĩa “Du lịch hướng tới tương lai”. BTC thông báo tới nay khoảng 400 gian hàng của 500 doanh nghiệp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ đến từ 54 tỉnh thành cả nước và 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Peru, Đài Loan.

Diễn đàn quốc gia “Du lịch Việt Nam thay đổi để phát triển” dự kiến là nơi để doanh nghiệp đóng góp sáng kiến đổi mới cách thức hoạt động, ứng dụng công nghệ, giải pháp xây dựng sản phẩm và thu hút khách du lịch hơn nữa. Khoảng 10 nghìn vé máy bay và 5 nghìn tour ưu đãi sẵn sàng chào bán tại Hội chợ. Đặc biệt, chuyên gia công nghệ và du lịch đến từ Google và các trang hàng đầu du lịch quốc tế như Booking.com trao đổi về xu thế phát triển của du lịch trong tương lai.

Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ VHTTDL giao đơn vị nghiên cứu và xây dựng đề án để Việt Nam tham gia vào chuỗi “bong bóng du lịch”- vùng an toàn kết nối các tuyến du lịch gần nhau và kiểm soát dịch bệnh an toàn, dễ dàng truy dấu người lây nhiễm, tham gia hành lang du lịch an toàn và đặc biệt có chính sách hỗ trợ khách du lịch để tiếp tục kích cầu du lịch trong quãng thấp điểm cuối năm.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/du-lich-huong-toi-tuong-lai-1686349.tpo