Du lịch không son phấn

Bạn đã đến Khánh Sơn chưa? Đó là một huyện miền núi ở Khánh Hòa, cách Nha Trang 100km về hướng Tây, nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Khánh Sơn được biết đến những năm gần đây trên bản đồ du lịch bởi sự hấp dẫn của núi rừng, vì sự hoang sơ đến lạ và cả sự hấp dẫn khi vượt qua ngọn đèo Khánh Sơn quanh co uốn lượn. Với trung tâm huyện là thị trấn Tô Hạp, cái tên đầy ấn tượng, chủ yếu là trung tâm hành chính, rất ít nhà nghỉ, ngôi chợ Khánh Sơn tan sớm. Là một huyện miền núi đa phần là người dân tộc Rắc Lây, một số người Kinh cũng đến trong cuộc mưu sinh tạo ra một Khánh Sơn rất lạ với dân số còn thưa vắng, và vô cùng hấp dẫn cho ai đó thích du lịch mà không bị những tiện nghi can dự. Đó là một điểm du lịch không son phấn.

Cửa ngõ vào Khánh Sơn.

Cửa ngõ vào Khánh Sơn.

Khánh Sơn hiện chỉ có các khách sạn nhỏ, một nơi vừa mới xây dựng hai năm nay là Homstay Khánh Việt đáp ứng lượng khách đông, chủ yếu đi phượt, thích đốt lửa trại, xem biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, đàn đá Khánh Sơn. Ngoài ra, người dân Khánh Sơn rất hiếu khách, sẵn sàng cho khách ngủ nhờ và đi chợ nấu cơm giúp, vì với họ đó là niềm vui.

Điểm nhấn khi đến Khánh Sơn là Thác Tà Gụ. Thác Tà Gụ thuộc xã Sơn Hiệp, còn có tên là thác Ngà Voi vì dòng nước chảy xuống giống như chiếc ngà voi. Tên Tà Gụ bởi nước thác chảy vào con suối cùng tên. Ngọn núi vời cao mà ngọn thác chảy xuống như một chiếc ngà voi có tên rất đẹp: núi Chalo. Bao nhiêu năm nay, thác Tà Gụ vẫn hoang sơ. Con đường đến thác dễ dàng, có thể phóng ô-tô hoặc xe máy đến tận nơi, và bạn phải chuẩn bị đồ ăn thức uống vì nơi đây không có hàng quán. Sau khi để xe ngay bãi đỗ xe, bạn sẽ leo xuống những bậc cấp để đến con suối do thác chảy xuống. Và bạn phải vượt qua dòng thác khoảng 20m những đá tảng trơn trợt. Qua được bờ bên kia sẽ đi men theo gộp đá nay đã được đẽo gọt cho dễ đi để tới thác. Chưa có bàn tay con người đụng vào, thác ở độ cao 40m chảy xuống một dòng nước trắng xóa và mạnh mẽ, bên dưới có những hồ nước nhỏ. Mặc sức mà tắm mát, sau đó lên bãi đất nhỏ lượm củi nướng đồ ăn mang theo. Đặc biệt, nếu mang theo nước uống, chỉ cần ngâm dưới dòng nước chừng 30 phút thì nước lạnh giống như bỏ trong tủ lạnh.

Săn mây trên đèo Khánh Sơn.

Săn mây trên đèo Khánh Sơn.

Săn mây ở Khánh Sơn cũng vô cùng hấp dẫn du khách. Bạn phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để kịp đi, có thể thuê xe hoặc đi bằng xe có sẵn, bắt đầu trở ngược lên đỉnh đèo. Đi trên con đường đèo Khánh Sơn trong buổi sáng như thế, sẽ cảm nhận được không khí ướp lạnh cả đêm, thơm mùi cây cỏ, và có cảm giác như đang đi vào trong một cánh rừng, những hàng cây cứ dạt ra, tạo lối đi cho bạn. Đỉnh đèo Khánh Sơn cao 600m so với mặt nước biển. Có một mặt bằng và con đường khá rộng để có thể dừng xe, ngắm mây, không che tầm khuất của xe đi lên hoặc xuống đèo. Bên vệ đường là những cành lau trắng chao trong gió, nghiêng chào khách lạ. Xa xa kia là từng đám mây xốp trắng, tạo nhiều hình dáng, trôi. Mây trôi vờn theo triền núi, mây lơ lửng trên những nóc nhà, mây nhón nhìn những vườn cây ăn trái, và mây để những tia nắng đầu ngày len vào, bung ra những tia vàng của một ngày mới. Chỉ 30 phút cho cảm giác thần tiên đó đã đủ, phút chốc sương mù chợt kéo về, níu những đám mây lẩn trốn, như thể không để cho cảm giác người tận hưởng được no đầy, để còn muốn quay trở lại.

Nhưng đặc sắc thật sự là bạn đi vào các vườn trái cây ở đây, các vườn trái cây rất lớn đến độ bạn đi mỏi chân, nhất là các vườn sầu riêng bạt ngàn Hiện nay, Khánh Sơn đã trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất Nam Trung Bộ, với tổng diện tích lên đến hơn 2.700ha. Toàn huyện đang có hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hơn 450ha các loại cây ăn quả khác như: Măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth… Bạn ghé và chủ sẽ chiêu đãi bạn, nhất là vào mùa sầu riêng, sau đó bạn sẽ không thể nào không mua một ít đem về trong cuộc hành trình.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_242801_du-lich-khong-son-phan.aspx