Du lịch Lạng Sơn vươn tầm cao mới

Là một địa phương hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Lạng Sơn đã đẩy mạnh phát triển ngành 'công nghiệp không khói' này trong những năm gần đây, trở thành điểm đến hấp dẫn và mang nét độc đáo riêng. Du lịch Lạng Sơn đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại sức bật cho sự phát triển của tỉnh.

Du khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại lễ hội thảo nguyên Đồng Lâm, huyện Hữu Lũng - Ảnh: LA MAI

Du khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại lễ hội thảo nguyên Đồng Lâm, huyện Hữu Lũng - Ảnh: LA MAI

Dừng chân ở Lạng Sơn, du khách có thể nhận rõ sự khác biệt và nét độc đáo của vùng đất này. Đó là cảm giác đắm chìm trong văn hóa, ngập tràn trong sự hùng vĩ của thiên nhiên khi đặt chân đến các điểm du lịch nổi tiếng. Lạng Sơn đã đem đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo về sự khám phá và tĩnh tâm, xứng đáng là một điểm đến dành cho những con người hoài niệm, những người trân quý lịch sử hào hùng và những ai thích khám phá văn hóa.

Lạng Sơn thu hút hơn 4,2 triệu lượt du khách năm 2024, đó là tin không thể nào vui hơn đối với người quan tâm tới Xứ Lạng như tôi. Ấn tượng nhất ở các điểm đến của Lạng Sơn là nền văn hóa đặc sắc, với sự quyết tâm nâng tầm hình ảnh của mình, với khát vọng vươn lên, nâng cao chất lượng du lịch và trở thành nơi đáng đến ở miền Bắc nước ta. Quyết tâm đó của tỉnh được toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đồng tình ủng hộ. Để rồi giờ đây miền đất Lạng Sơn trở thành một điểm đến hấp dẫn trong chiều dài hành trình du lịch Việt Nam, có một vị trí không thể thiếu trong bản đồ du lịch nước nhà.

Là một địa phương có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và phong phú, lại có điều kiện đi lại thuận tiện ở phía Đông Bắc của Việt Nam, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, với hơn 335 di tích lịch sử, di tích cách mạng và gần 300 lễ hội truyền thống, Lạng Sơn có nền tảng và điều kiện để nâng tầm thành những thương hiệu, hình ảnh nổi bật. Đặc biệt, Lạng Sơn có cộng đồng các dân tộc anh em với nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc. Nguồn lực đó được tăng cường quảng bá, qua đó thu hút được các nguồn đầu tư, củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch.

Lạng Sơn đã không coi nhẹ ngành "công nghiệp không khói" này. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra nhiệm vụ “Phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Xét về tầm nhìn kinh tế của một địa phương, du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng vì nó tác động lên nhiều mặt đời sống của địa phương, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Qua tìm hiểu, người dân, du khách như tôi đánh giá rất cao các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Lạng Sơn); các hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cũng như tập huấn cho các hộ gia đình kinh doanh du lịch đã góp phần cho môi trường du lịch của tỉnh ngày một tốt hơn, chất lượng dịch vụ được tăng lên rõ rệt.

Lạng Sơn đã làm du lịch trên tinh thần cố gắng cao nhất cả về cơ chế và hành động. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư cùng đến chung tay góp sức phát triển du lịch. Ngoài việc phát triển du lịch truyền thống như du lịch văn hóa thì tỉnh còn phát triển các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng của mình như du lịch khám phá, du lịch thương mại… Nhờ cố gắng của chính quyền và Nhân dân, nhờ nguồn vốn đầu tư cho các dự án du lịch và sự tăng cường quảng bá mạnh mẽ, hình ảnh điểm đến, du lịch Lạng Sơn đã có bước tiến vững chắc.

Giành được thành công ban đầu, nhưng du lịch Lạng Sơn không vì thế mà dừng lại. Không chỉ tăng cường xây dựng hình ảnh, tăng cường quảng bá, tỉnh còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, nhấn mạnh về lịch sử - văn hóa. Lạng Sơn đã lan tỏa hình ảnh của mình ngày càng vang xa ra quốc tế, lan tỏa cách làm mới trong phát triển chất lượng dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Du khách đến tham quan thực sự ấn tượng với các lễ hội được tổ chức bài bản, công phu như: Lễ hội Kỳ Cùng, Lễ hội Hoa đào… Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp chính quyền và người có trách nhiệm của tỉnh còn chú trọng vào giới thiệu văn hóa truyền thống của các dân tộc, qua đó góp phần thu hút sự quan tâm của cộng đồng với Lạng Sơn.

Người dân và du khách được phát lộc đầu năm tại Lễ hội chùa Tiên năm 2025 - Ảnh: LA MAI

Người dân và du khách được phát lộc đầu năm tại Lễ hội chùa Tiên năm 2025 - Ảnh: LA MAI

Đột phá để phát triển

Lạng Sơn ngày nay không chỉ phong phú về loại hình du lịch mà còn nổi bật cả về chiều sâu xã hội, chiều sâu văn hóa. Hướng phát triển du lịch của tỉnh đã trở thành bản sắc, trở thành sức sống cho địa phương. Không chỉ là nơi tham quan các danh lam thắng cảnh, Lạng Sơn còn là điểm đến thu hút giới thanh niên và thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước với các di tích như: Thành cổ Lạng Sơn, ải Chi Lăng, chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng… Không chỉ vậy, Lạng Sơn cũng nổi tiếng với nhiều công trình thể hiện văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Ngoài bảo tồn và lan tỏa ý nghĩa lịch sử vốn có của các di tích, tỉnh đã chú trọng đầu tư và quảng bá cho các địa danh ấy theo hướng bảo vệ môi trường. Đó là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện của tỉnh, là cách làm trên cơ sở hiểu rõ nền tảng của mình.

Các điểm du lịch chính của tỉnh đón lượng du khách tăng cao trong các dịp nghỉ lễ nhưng vẫn ổn định về trật tự và an ninh. Như dịp nghỉ lễ 2/9/2024 vừa qua, Lạng Sơn đón hơn 90.000 lượt khách, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2023. Đây là minh chứng cho sự hấp dẫn cùng chất lượng tăng lên của dịch vụ du lịch tỉnh. Như lời một vị lãnh đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chính quyền rất chú trọng vào việc tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh đó còn tăng cường thông tin tuyên truyền và tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao phục vụ người dân và du khách. Các chủ điểm tham quan, chủ khách sạn, homestay… cũng đồng quan điểm về việc cùng chung tay tạo hình ảnh đẹp, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch để thu hút du khách. Với sự cố gắng và tâm huyết trong nhiều năm, điểm đến Lạng Sơn được đánh giá cao bởi các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, dần khẳng định tên tuổi và thương hiệu du lịch vững chắc trên bản đồ du lịch nước nhà.

Việc đẩy mạnh phát triển du lịch tất nhiên sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều đáng nói ở đây chính là tỉnh Lạng Sơn đã khai thác và phát triển các giá trị văn hóa đến từ thiên nhiên và con người trên cơ sở phát triển bền vững, khai thác nhưng cũng đối xử tốt với thiên nhiên, với các giá trị của lịch sử, văn hóa và không làm tổn hại đến môi trường. Du lịch là ngành "công nghiệp không khói" nhưng những tác động xấu đến môi trường cần phải triệt để kéo giảm, đặc biệt là rác thải trong quá trình khai thác du lịch, cũng như sự tác động thái quá của con người với các danh lam thắng cảnh, các di tích.

Sự mạnh dạn, quyết tâm, sáng tạo trong phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn đã đem đến thành công rực rỡ, nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. Thực tế, du lịch Lạng Sơn vẫn còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có các loại hình du lịch gắn với lịch sử, văn hóa. Các sản phẩm, tour du lịch vẫn còn có thể phát triển mạnh mẽ và hấp dẫn hơn. Vẫn cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác và nước bạn trong khai thác du lịch. Với nội lực vốn có, với tinh thần quyết tâm của chính quyền và nhiệt huyết của người Lạng Sơn, tin rằng Lạng Sơn sẽ tiếp tục vươn cao, hình ảnh Lạng Sơn sẽ nổi tiếng hơn, được biết đến nhiều hơn trong nước và quốc tế.

Đinh Thành Trung - Thành phố Hà Nội

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich-lang-son-vuon-tam-cao-moi-5037519.html