Du lịch lịch sử bùng nổ trong những ngày lễ lớn
Thời điểm này, khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), các di tích và điểm đến lịch sử trở thành lựa chọn hàng đầu của đông đảo du khách. Việc tham quan các 'địa chỉ đỏ' không chỉ thể hiện tinh thần tri ân, mà còn phản ánh mong muốn tìm hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc.
Sức hút từ các điểm đến lịch sử phía Nam
Chị Hồ Thu Hồng, 30 tuổi (Hà Nội) chia sẻ, gia đình đã đặt vé máy bay từ sớm để đến TP. Hồ Chí Minh chứng kiến lễ diễu binh Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Với tâm trạng háo hức, chị chuẩn bị từ 2 tuần trước, sắm trang phục cờ đỏ sao vàng, áo dài, khăn rằn và nón lá để hòa mình vào không khí rộn ràng tại thành phố mang tên Bác. Theo chị, đây là sự kiện duy nhất trong đời, không thể bỏ lỡ.
Nhu cầu tìm về các địa danh lịch sử trong dịp này tăng cao đáng kể. Đại diện Công ty Du lịch Việt cho biết, lượng du khách miền Bắc tham gia các tour đến TP. Hồ Chí Minh trong tháng 4/2025 tăng 25-30% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh nghiệp này triển khai năm chương trình tour từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, diễn ra từ 28/4 đến 1/5, kết hợp xem diễu binh và tham quan các địa danh nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bến Nhà Rồng. Các tour còn bao gồm hoạt động tri ân như giao lưu với nhân chứng lịch sử và nghi thức tưởng niệm, với 85-90% số chỗ đã được đặt kín.
Tương tự, Công ty Vietravel ghi nhận tỷ lệ khách đặt tour nội địa dịp 30/4 chiếm 50-55% tổng lượng khách, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Điện Biên Phủ là hai điểm đến được ưa chuộng nhất. Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) cũng báo cáo lượng khách quan tâm đến các tour đi bộ tham quan TP. Hồ Chí Minh, tour Củ Chi, và tour Tây Ninh tăng 15-20% so với các tháng trước. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là huyện đảo Côn Đảo, dự kiến cũng thu hút nhiều du khách với các hoạt động nhân văn như viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Đền thờ Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Keo, di tích Cầu tàu 914, cùng chương trình đi xe đạp vì môi trường.

TP. Hồ Chí Minh - địa chỉ du lịch được nhiều người quan tâm trong dịp 30/4
Hành trình khám phá “địa chỉ đỏ” phía Bắc
Không chỉ các điểm đến phía Nam, các tour đến các “địa chỉ đỏ” phía Bắc cũng ghi nhận sức hút mạnh mẽ. Tour “Hà Nội – Quảng Bình – Quảng Trị” kéo dài 5 ngày 4 đêm, đưa du khách tham quan cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nhà lưu niệm và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...đã kín chỗ. Tại Thủ đô Hà Nội, khu di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong khi di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình” đã thu hút đông đảo du khách.
Xu hướng lựa chọn các điểm đến lịch sử trong những dịp kỷ niệm lớn như 30/4 - 1/5 là tín hiệu tích cực, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch và đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của du khách. Việc tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử không chỉ nâng tầm văn hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống và khơi dậy tình yêu dân tộc.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch lịch sử, đặc biệt trong các giai đoạn không có sự kiện lớn, các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới cách thức tổ chức. Du khách hiện nay chú trọng trải nghiệm toàn diện, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến. Nhiều người bày tỏ sự ấn tượng với các chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử tại các di tích, bởi hình thức này giúp họ dễ dàng hiểu sâu hơn về lịch sử quê hương và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Đối với doanh nghiệp du lịch, để việc phát triển sản phẩm du lịch lịch sử hiệu quả, đặc biệt trong các dịp lễ lớn, đòi hỏi một kịch bản xuyên suốt từ đầu đến cuối chương trình, kết hợp truyền thông hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Truyền thông đa kênh, thông qua mạng xã hội, fanpage, YouTube, và TikTok, giúp lan tỏa hình ảnh điểm đến và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có tính kết nối, mang lại giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc, đồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tổ chức.
Về lâu dài, cơ quan quản lý tại các điểm đến lịch sử cần xây dựng chiến lược tổng thể, từ đào tạo nhân lực đến nâng cấp dịch vụ và đa dạng hóa trải nghiệm. Đặc biệt, đội ngũ hướng dẫn viên và quản lý cần luôn luôn trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-lich-lich-su-bung-no-trong-nhung-ngay-le-lon-163516.html