Du lịch mở cửa sớm nhưng không ồ ạt

Dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, ngành du lịch Việt Nam đứng trước thời điểm vàng để tái khởi động, phục hồi và phát triển sau 2 năm đóng băng.

Gần đến cột mốc quan trọng 15/3, ngành du lịch Việt Nam sẽ dễ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu không đi đến thống nhất chung, bỏ lỡ thời điểm vàng.

Trong một diễn đàn về phương án mở cửa du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định ngành du lịch nước nhà đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để phục hồi và vươn mình mạnh mẽ.

Chớp thời cơ

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh, đưa ra nhiều dẫn chứng khẳng định tình hình du lịch Việt Nam đang có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực.

Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà tăng cao, chứng tỏ các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua đang đi đúng hướng.

 Từ đầu năm 2022, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng nhanh. Ảnh: Unsplash.

Từ đầu năm 2022, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam tăng nhanh. Ảnh: Unsplash.

"Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới", Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế (gồm hoạt động du lịch đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch nước nhà là rất cần thiết.

Theo ông Khánh, hơn lúc nào hết, ngành du lịch cần sự ủng hộ từ các bộ, ngành khác, địa phương cần phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn. Mục tiêu xa hơn là trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Hơn lúc nào hết, du lịch Việt Nam cần sự ủng hộ từ các Bộ ngành, nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới.

Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam vẫn còn vấp phải một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Trước tình hình đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Vị Tổng cục trưởng nhấn mạnh rằng việc mở lại du lịch vẫn đảm bảo bám sát tinh thần: “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

"Tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp du lịch và ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng, phục hồi mạnh mẽ, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.

Tạo điều kiện cho khách quốc tế

Cũng trong cuộc thảo luận về phương án mở cửa du lịch, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn mở cửa du lịch, tạo điều kiện cho du khách nhập cảnh.

Trước đó, trong buổi thảo luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đưa ra giải pháp về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Khánh cho rằng trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh để thu hút khách quốc tế đến.

 Việc quản lý số ca mắc từ nhóm du khách nước ngoài không khó như khách nội địa. Ảnh: Hoàng Hà.

Việc quản lý số ca mắc từ nhóm du khách nước ngoài không khó như khách nội địa. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Nguyễn Đắc Phu lấy dẫn chứng hiện tại số ca mắc trong cộng đồng cao, nhưng du lịch nội địa vẫn mở cửa. "Số lượng khách nhập cảnh chắc chắn không nhiều như khách nội địa. Tỷ lệ lây nhiễm từ họ cũng không cao. Do đó, rủi ro nhỏ hơn rất nhiều so với người trong nước", ông Phu nhận xét.

Cũng theo ông Phu, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất cho những khách du lịch quốc tế. Bởi thực tế, việc quản lý số ca mắc từ nhóm này cũng không khó như khách nội địa.

Mạnh dạn mở cửa nhưng không buông lỏng

"Dĩ bất biến ứng vạn biến, tùy theo tình hình xử lý linh hoạt. Nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro", PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nêu quan điểm.

Dĩ bất biến ứng vạn biến, tùy theo tình hình xử lý linh hoạt. Nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

"Với đặc thù của ngành du lịch, việc chỉ đạo hướng dẫn cần đồng bộ. Nếu mỗi địa phương làm một kiểu, du khách cũng không biết thực hiện thế nào. Chúng ta cần khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm", ông Trần Đắc Phu khẳng định.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế đưa ra giải pháp cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương.

"Không lạm dụng đánh giá F1, cách ly theo quy định. Cùng với đó, cần có hướng dẫn chung toàn diện, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Cần truyền thông phổ biến cho khách nắm được quy định, biên soạn cẩm nang hướng dẫn", ông Phu nói, bày tỏ mong muốn sẽ sớm có những thống nhất thông thoáng hơn để Việt Nam mạnh dạn mở cửa du lịch ngày 15/3 tới đây.

Bích Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/manh-dan-mo-cua-du-lich-de-khong-bo-lo-thoi-diem-vang-post1301710.html