Khác hẳn với không khí chen chúc, ồn ào tại nhiều khu du lịch nổi tiếng, du lịch Na Hang vào dịp nghỉ Lễ 30/4, 01/5 năm nay là lựa chọn phù hợp đối với những du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá cảnh đẹp tự nhiên gắn với những câu chuyện, truyền thuyết về vùng đất sơn thủy hữu tình, yên bình, mộc mạc.
Cách Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội hơn 200km, vùng lòng hồ sinh thái Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được biết đến bởi không khí trong lành với hơn 8.000 ha diện tích mặt nước và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tràn ngập màu xanh mát mắt, đặc biệt là lưu giữ những nét hoang sơ,kỳ bí hiếm nơi nào có được.
Những năm gần đây, du lịch Na Hang phát triển khá nhanh, bên cạnh hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ở trung tâm thị trấn Na Hang, đã có những mô hình lưu trú homestay chất lượng với vị trí độc đáo, thiết kế ấn tượng cùng những dịch vụ hút khách.
Tuy nhiên, số lượng homestay như vậy ở Na Hang chưa nhiều, theo người bản địa, nếu không đặt lịch sớm, sẽ khó chọn được nơi lưu trú như mong muốn.
Với những ai mê ẩm thực, hẳn sẽ hài lòng với dịch vụ ăn uống khá phong phú với nhiều món ăn ngon như: bánh đúc Na Hang, bánh củ chuối Na Hang, bánh dày nhân vừng đen Na Hang, bánh mật Na Hang hay các món ăn chế từ thịt lợn đen Na Hang..., đặc biệt là các loại đặc sản cá, tôm chỉ đến đây mới có như: cá bỗng sông Gâm Na Hang, chả ốc ống nứa, canh gà lá thuốc của người Dao, nộm da trâu Na Hang, rau dớn Na Hang, măng rừng, hạt dổi, cơm lam, xôi ngũ sắc Na Hang...
Không chỉ đa dạng về cảnh sắc, ẩm thực, mà du lịch Na Hang còn sở hữu một nền văn hóa đặc sắc đến từ 12 dân tộc đang sinh sống tại đây.
Tuyến du lịch lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình đang là điểm đến "hút" khách du lịch cả trong và ngoài nước nơi xứ Tuyên.
Dưới đây là một số hình ảnh trải nghiệm Na Hang của phóng viên Công dân và Khuyến học trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5:
Bến Thủy, nơi du khách lên thuyền, bắt đầu tham quan hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Trước khi rời bến, du khách được các chủ thuyền hướng dẫn mặc áo phao đầy đủ và cách ứng phó với những tình huống có thể phát sinh để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình di chuyển trên hồ.
Với hành trình khoảng 5 giờ đi và về, du khách có thể chọn dừng chân tại các điểm: đền Pắc Tạ, thác Khuổi Nhi, Cọc Vài.
Đền Pác Tạ thờ vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật, nằm ở chân núi Pác Tạ - ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang. Xưa kia, đền được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến năm 2008, đền Pác Tạ được khởi công xây dựng lại.
Đền Pác Tạ được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 2009, là một trong những dấu tích còn lại của cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285.
Người dân đang dọn cỏ tại mảnh vườn nhỏ bên hông đền Pác Tạ. Nơi đây có rất nhiều bướm trắng, chúng tự nhiên bay lượn thảnh thơi ngay cạnh con người.
Lối lên đền Pác Tạ, vào mùa mưa, mực nước hồ dâng cao gần đến cửa đền.
Núi đôi giữa lòng hồ sinh thái Na Hang.
Cọc Vài (Vài Phạ) - tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu trời, điểm chụp ảnh hút khách nhất tuyến du lịch lòng hồ Na Hang. Người dân ở đây kể rằng, năm đó hạn hán kéo dài, có chàng trai khổng lồ tên là Tài Ngào đã cào đá từ chân núi Pắc Tạ để đắp đập, giữ nước giúp dân làng. Lúc ấy, có chú trâu trời đi lạc xuống trần gian bị nước cuốn, Tài Ngào cứu trâu trời và dùng dây thừng buộc vào cọc đá cao mới đắp.
Những ngày gió lớn, để đảm bảo an toàn, các nhà thuyền sẽ chờ nhau và dùng dây thừng buộc từng cặp thuyền lại với nhau trước khi di chuyển qua những đoạn trống trải trên mặt hồ mênh mông.
Thông thường, nhà thuyền sẽ cho thuyền đi chầm chậm 2 - 3 vòng quanh Cọc Vài để du khách thoải mái chụp hình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cột đá tự nhiên này.
Thác Khuổi Nhi nằm giữa rừng già, là thác lớn nhất huyện Lâm Bình, thuộc danh thắng quốc gia Na Hang - Lâm Bình. Người dân kể lại, thủa xa xưa, hồ Na Hang còn chưa ngập nước, có một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị lạc mất nhau, cô gái mải miết đi tìm chàng trai mãi không thấy rồi hóa thành con thác. Vì thế, nhìn từ trên cao, thác Khuổi Nhi giống như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống mặt hồ phẳng lặng.
Du khách xuống thuyền tại bìa rừng, bắt đầu chuyến trải nghiệm thác Khuổi Nhi. Quãng đường lên đỉnh thác dài khoảng 3 km, không quá dốc và rợp bóng cây xanh mát.
Mặt hồ Na Hang nhìn từ điểm dừng chân trước khi vào thác Khuổi Nhi. Tại đây có các gian hàng của người dân Na Hang, du khách có thể mua nước uống, đồ ăn vặt.
Du khách phải lội suối để đến các tầng của thác Khuổi Nhi. Nhà thuyền sẽ chuẩn bị dép tổ ong để du khách sử dụng, đảm bảo an toàn khi leo thác. Những đoạn dốc, đá đều được đục sẵn thành các hốc hoặc bậc thang để du khách thuận tiện vượt qua.
Thời điểm tham quan thác Khuổi Nhi thích hợp nhất là khoảng tháng 5, tháng 6, sau những cơn mưa đầu hè, thời tiết nắng đẹp, cây cối rợp mát, nước hồ trong xanh và không quá cao.
Dừng chân tại các tầng thác Khuổi Nhi, du khách tận hưởng cảm giác mát lạnh của làn nước suối trong xanh, cùng hòa mình vào thiên nhiên với những âm thanh của núi rừng.
Cá ở đây khá dạn người, chỉ cần du khách đặt chân xuống lòng suối là ngay lập tức một vài con, rồi cả bầy cá ríu rít bu lại, rỉa chân, cảm giác buồn buồn, hơi tê tê, rất thích thú.
"Dịch vụ" massage chân với những "nhân viên" cá suối - điểm đặc sắc nhất tại thác Khuổi Nhi.
Nắng nhẹ đầu hè, những cơn gió lộng giữa lòng hồ mênh mông trong khung cảnh núi non hùng vĩ, cùng với nét hoang sơ, mộc mạc của thiên nhiên nơi đây là những ấn tượng, những trải nghiệm đáng nhớ đối với du khách khi đến với Na Hang.
Mạnh Chiến