Du lịch Nam Lâm Đồng, cơ hội và thách thức
Tối 18/9, tại TP Bảo Lộc, Hiệp Hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt và Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng đã tổ chức Chương trình tọa đàm phát triển du lịch Nam Lâm Đồng, cơ hội và thách thức.
Chương trình tọa đàm với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP Bảo Lộc, các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng; đại diện các cơ quan nhà nước quản lý về du lịch. Chương trình còn có sự tham dự của dại diện các chi hội, doanh nghiệp du lịch lữ hành các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước buổi tọa đàm, trong các ngày từ 15 đến 18/9, Chi hội Du lịch Nam Lâm Đồng đã tổ chức đoàn với hơn 100 thành viên đến từ đến từ các tỉnh, thành phố tham gia chuyến du lịch khám phá tại Nam Lâm Đồng. Các điểm đến được lựa chọn là rừng Madagui, Tea resort, Khu du lịch thác Bobbla, bảo tàng trà của Khu du lịch Đôi Dép; tham quan trải nghiệm Nhà máy dệt lụa công ty CP tơ lụa Bảo Lộc trên địa bàn TP Bảo Lộc; đồng thời, trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống cùng một số điểm du lịch trên địa bàn các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý du lịch, dịch vụ tỉnh Lâm Đồng và TP Bảo Lộc đã có những chia sẻ, định hướng cụ thể về phát triển du lịch tại Nam Lâm Đồng. Qua đó, chỉ rõ những cơ hội, thách thức đối với ngành du lịch tại Nam Lâm Đồng cả hiện tại và tương lai.
Đại diện các chi hội, doanh nghiệp lữ hành đến từ các tỉnh bạn cũng đã có những đóng góp chân thành để xây dựng phát triển du lịch Nam Lâm Đồng theo hướng du lịch xanh, gắn với các tua trải nghiệm, khám phá.
Đại diện các chi hội, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh bạn cũng rất ấn tượng với sự nồng hậu của con người và cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu mát mẻ vùng đất Nam Lâm Đồng. Nơi đây có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, khả năng, sức hút, cùng các tiện nghi, tiện ích về hạ tầng, khách sạn đã được cải thiện rất nhiều… Vì vậy, sự kết hợp các điểm mô hình du lịch đủ khả năng đón các đoàn tour du lịch kéo dài 3 ngày 2 đêm thay vì chỉ là điểm dừng chân như hiện nay.
Mặc dù vậy, để ý tưởng thành hiện thực, TP Bảo Lộc nói chung và các địa phương phía Nam Lâm Đồng, đặc biệt là các điểm du lịch, khu du lịch cần đầu tư thêm cơ sở lưu trú chất lượng cao như khách sạn 3 sao, 4 sao có sức chứa tốt. Với các điểm du lịch như bảo tàng trà cần đầu tư bài bản chỉn chu từ phòng xem phim giới thiệu lịch sử ngành trà; quy trình sản xuất chế biến, cách pha trà, thưởng thức trà… đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động xây dựng các tour trải nghiệm gắn với du lịch canh nông. Qua đó, có sự gắn kết giữa các dịch vụ giải trí gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương phía Nam như trà, cà phê, dâu tằm, cây ăn trái. Ngoài ra, các tour du lịch trải nghiệm cần có sự kết nối, giao thoa với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Qua đó, mang lại sự mới mẽ, hứng khởi, thích thú cho du khách khi đến với.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nhấn mạnh, TP Bảo Lộc phải được xây dựng là trung tâm du lịch của Nam Lâm Đồng. Vì vậy, Bảo Lộc cần sớm triển khai dịch vụ thí điểm phố đi bộ, phố đêm và một số dịch vụ đi kèm để tạo điểm nhấn. Qua đó, tiếp tục phát huy thế mạnh, sớm triển khai các tour, tuyến du lịch một cách bài bản và đúng mục tiêu du lịch xanh, du lịch bản địa tạo màu sắc riêng biệt, hấp dẫn. Từ đó, các đơn vị đưa khách đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng và lưu trú tại Bảo Lộc một cách đúng nghĩa thay vì chỉ xem đây là diểm dừng chân trên các chuyến hành trình lên Đà Lạt như hiện nay.