Du lịch Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ: Tín hiệu tích cực từ thị trường châu Á
Tờ Nikkei đã trích dẫn số liệu du lịch mới nhất cho thấy số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng lên hơn 900.000 lượt trong tháng 11, tiếp tục xu hướng phục hồi từ bắt tháng 10 khi Nhật Bản mở cửa trở lại.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, ước tính có khoảng 934.500 du khách đã đến nước này vào tháng 11, tăng gần gấp đôi so với 498.600 lượt khách vào tháng 10 năm nay.
Khách châu Á thúc đẩy tăng trưởng cho Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đã khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch cá nhân vào ngày 11 tháng 10 năm nay. Mặc dù số liệu thống kê mới nhất cho thấy lượng khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản đã phục hồi, nhưng con số này vẫn chưa bằng thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tháng 11/2019, Nhật Bản đón khoảng 2,4 triệu lượt khách.
Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ đang là những thị trường đưa du khách nhiều nhất đến Nhật Bản. Ước tính có 315.400 lượt khách trong tháng 11 đến từ Hàn Quốc, 99.500 lượt người từ Đài Loan (Trung Quốc) và 84.300 người từ Mỹ. Số lượng khách du lịch tháng 11 từ Hàn Quốc vượt xa con số 205.042 người cùng kỳ năm 2019 – thời điểm mối quan hệ xấu đi giữa hai quốc gia phần nào cản trở hoạt động du lịch.
Lượng khách đến từ Trung Quốc trong tháng 11, vốn là nguồn du khách hàng đầu của Nhật Bản, chỉ ở mức 21.000 lượt, thấp hơn đáng kể so với con số 750.951 lượt khách vào tháng 11 năm 2019, thời điểm du khách Trung Quốc chiếm 31% tổng lượng khách đến Nhật Bản. Tháng trước, một số hạn chế phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc phần nào khiến du khách nước này chưa đi du lịch nhiều.
Số lượng đặt vé máy bay cũng đang phục hồi khi nhiều quốc gia dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19.
Theo các hãng hàng không lớn của Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL), số lượng đặt vé quốc tế cho các chuyến đi từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 5 tháng 1 năm tới đã tăng 4,2 lần đối với JAL và 4,9 lần đối với ANA so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lượng vé đặt trước vẫn thấp hơn 42,5% so với số liệu cùng kỳ của JAL 3 năm trước và thấp hơn 52% đối với ANA trong cùng giai đoạn này.
Hiện tại, các chuyến bay giữa Nhật Bản và Hawaii, Hong Kong (Trung Quốc), cùng nhiều điểm đến châu Á và châu Đại Dương đang đặc biệt phổ biến, các hãng hàng không này cho biết.
Tuy nhiên, khi ngành du lịch Nhật Bản đang trên đà phục hồi sau đại dịch, vẫn có những nút thắt cổ chai có thể khiến ngành này chưa thể phát huy hết sức mạnh.
Ngành khách sạn nhà hàng thiếu nhân lực trầm trọng
Koichiro Kakee, Giám đốc đại diện Hiệp hội Khách sạn Nhật Bản, cho biết ngành khách sạn đang đối mặt với tình trạng "thiếu hụt lao động trầm trọng" và chưa thể đủ người để lấp vào vị trí của những người lao động bị mất việc làm trong đại dịch.
Ông Kakee nói thêm: "Mặc dù số lượng lao động đã tăng lên kể từ tháng 11, các khách sạn vẫn đang phải vật lộn để đảm bảo đủ nhân lực". Ngành khách sạn nước này đang đặc biệt thiếu nhân viên dọn phòng và nhà hàng.
Một số khách sạn đang gấp rút tăng nhân viên bằng cách thuê lao động bán thời gian. Ông Kakee nói: "Trong khi nhiều ngành vẫn đang thiếu lao động thì các khách sạn cũng đang phải vật lộn để thuê đủ nhân viên bán thời gian."
Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Nhật Bản, nói với Nikkei Asia rằng tình trạng thiếu lao động là "vấn đề lớn nhất" mà ngành này cần phải khắc phục. Ông Takahashi cho biết một số khách sạn đang phải hạn chế công suất phòng ở mức khoảng 80% vì họ không thể đảm bảo đủ nhân viên.
Motoi Suganuma, Tổng giám đốc của Dive, một dịch vụ cung cấp nhân sự cho các khu nghỉ dưỡng và khách sạn có trụ sở tại Tokyo, cho biết công ty của ông đang nhận được nhiều yêu cầu hơn từ các khách sạn muốn tìm kiếm nhân viên. Số lượng việc làm mà các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tuyển dụng trong tháng này đã tăng gấp đôi so với một năm trước. Tuy nhiên, "số lượng những người muốn làm việc lại không tăng cùng như vậy", Suganuma nói.
Theo ông Suganuma, tình trạng thiếu lao động đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực nông thôn. Trong bối cảnh nhiều ngành đang tranh giành nhân lực, mức lương trung bình mỗi giờ đã tăng từ 1.115 yên 12 tháng trước đó lên 1.230 yên trong tháng 11 năm nay, theo ông Dive.
Còn ông Suganuma chia sẻ thêm: "Ngay bây giờ, đang có một lời mời làm việc với mức lương 1.800 yên mỗi giờ ở một tỉnh nông thôn và không yêu cầu kinh nghiệm trong ngành." Trong khi đó, ở thủ đô Tokyo – nơi có chi phí sinh hoạt cao, mức lương tối thiểu thường là 1.072 yên mỗi giờ.