Du lịch nỗ lực bứt tốc, khách quốc tế đến Việt Nam gần cán mốc mục tiêu cả năm 2023

8 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gần cán mốc mục tiêu của cả năm 2023. Nỗ lực bứt tốc của toàn ngành du lịch những tháng qua đã bắt đầu cho thấy hiệu quả đáng khích lệ.

Du khách quốc tế bất ngờ trước sự đông vui nhộn nhịp cả ngày trên những con phố tại Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Du khách quốc tế bất ngờ trước sự đông vui nhộn nhịp cả ngày trên những con phố tại Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HIẾU)

Khách quốc tế cán mốc mục tiêu toàn năm 2023

Báo cáo Tình hình Kinh tế-Xã hội của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8 cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1,2 triệu lượt người. Tính chung 8 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, xấp xỉ 97,5% mục tiêu đón khách quốc tế của cả năm.

Cụ thể, tính riêng trong tháng 8/2023, Việt Nam đã đón 1.217.421 lượt khách quốc tế, tăng 117,2% so với tháng 7. Tổng 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã phục vụ 7.830.953 lượt khách quốc tế, tăng 543,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến mới bằng 69,2%.

(Info: Tổng cục Thống kê)

(Info: Tổng cục Thống kê)

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,6%; bằng đường bộ chiếm 11,6% và đường biển chiếm 0,8%.

Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách số 1 tới Việt Nam với 2.274.213 lượt người trong 8 tháng. Trong đó, riêng tháng 8 có 385.904 lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng gần 100 nghìn người so với tháng 7.

Trung Quốc là thị trường gửi khách đứng thứ 2 với 949.878 lượt người trong 8 tháng. Tiếp theo là thị trường Mỹ với 502.906 lượt khách. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ tư với 498.017 lượt khách và với 349.173 lượt khách, Nhật Bản là thị trường gửi khách lớn thứ 5 của Việt Nam trong 8 tháng qua.

Lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, có giảm so với tháng trước, trong đó khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 8 tháng qua, lượng khách nội địa đã đạt 86 triệu lượt.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao trong mùa cao điểm. Các địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kích cầu du dịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nỗ lực bền bỉ

Hiện toàn ngành du lịch đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, từ ngày 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều thay đổi quan trọng về chính sách thị thực (visa) và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.

Theo quy định mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày khách du lịch cũng được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Bên cạnh đó, công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định; cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Sự thay đổi trong chính sách xuất, nhập cảnh này đã mang lại nhiều hy vọng cho cộng đồng doanh nghiệp lữ hành.

Chị Ngọc, đại diện Công ty lữ hành Xuyên Đông Dương, công ty có gần 20 năm đón khách từ châu Âu, đặc biệt là thị trường Pháp, chia sẻ: “Pháp là quốc gia trong danh sách 13 quốc gia được Việt Nam miễn thị thực, và việc kéo dài thời gian lưu trú lên 45 ngày giúp du khách có thể ở Việt Nam lâu hơn. Bình thường họ chỉ ở Việt Nam vài ngày rồi sang các nước khác. Nhưng hiện nay chúng tôi đã nhận được nhiều khách quan tâm tới các chương trình tour dài ngày ở Việt Nam. Tôi tin là sang năm sau, lượng khách theo đoàn tới Việt Nam dài ngày sẽ tăng cao hơn nữa”.

“Với khách đi lẻ, việc thay đổi chính sách thị thực này sẽ giúp tăng lượng khách vào những tháng cuối năm, mùa du lịch cao điểm của khách nước ngoài như khách châu Âu, châu Mỹ”, chị Ngọc nói thêm.

Du khách Hàn Quốc tham quan tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Fb Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)

Du khách Hàn Quốc tham quan tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. (Ảnh: Fb Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định)

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng như các chuyên gia du lịch đều nhận định: Những thay đổi tích cực này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực và thế giới, giúp thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ.

Những thay đổi ngày càng thông thoáng hơn về thủ tục visa, tăng thời hạn lưu trú với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là một tín hiệu rất mừng với du lịch trong bối cảnh mùa cao điểm đón khách quốc tế đang tới.

Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chính sách visa thông thoáng mới chỉ là "điều kiện cần, nhất là trong bối cảnh các quốc gia, điểm đến đều cạnh tranh hút khách quốc tế sau Covid-19". Muốn du lịch nước hấp dẫn hơn, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, tạo sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh.

Trong đó, các doanh nghiệp du lịch phải tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, thay đổi phương cách xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng một bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi vào các nhánh phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ, bắt kịp xu hướng thế giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-no-luc-but-toc-khach-quoc-te-den-viet-nam-gan-can-moc-muc-tieu-ca-nam-2023-post769750.html