Du lịch nông thôn: Tiềm năng lớn không thể bỏ lỡ

Những năm gần đây, nhiều du khách lựa chọn hình thức du lịch nông nghiệp như một trải nghiệm mới lạ. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, xu hướng đi du lịch của người dân có sự thay đổi rõ rệt, theo hướng ưu tiên những khu vực có cảnh quan hoang sơ tươi đẹp, gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ. Đây chính là lợi thế để Ninh Bình tiếp tục đầu tư và phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch bền vững này.

Du khách thăm quan tại Khu du lịch Hang Múa (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Du khách thăm quan tại Khu du lịch Hang Múa (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Lợi ích "kép"

Trong ký ức tuổi thơ của chị Dạ Ngân, chủ một homestay tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, đầm Vân Long nhiều năm về trước chỉ là vùng đầm lầy um tùm lau sậy, ít người qua lại, điện đóm, đường sá khó khăn. Người dân quê chị quanh năm phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề mò cua, bắt ốc.

Thế rồi, du lịch phát triển như thổi bừng cho làng quê ven vùng Vân Long một luồng gió mới. Chị chia sẻ: "Từ khoảng năm 2005, khi quê tôi có những vị khách du lịch nước ngoài đến tham quan và có nhu cầu ở lại nhà dân, tìm hiểu văn hóa vùng nông thôn Việt Nam thì du lịch mới thực sự phát triển. Khi đó, nhiều người nông dân vốn chỉ quen với việc chèo đò, chân lấm tay bùn đã học hỏi để làm du lịch, xây dựng các homestay… phục vụ khách nước ngoài. Bản thân tôi cũng đang làm chủ một homestay với quy mô 5 phòng nhỏ, ấm cúng và lúc nào cũng có khách đến lưu trú".

Vân Long - một trong những nơi hình thành và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đến nay sau nhiều năm đi vào khai thác, mô hình này càng phát huy hiệu quả. Hơn ai hết, chính những người nông dân nơi đây cảm thấy thấm thía về những giá trị bền vững mà du lịch nông thôn mang lại.

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái Vân Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn cho biết: "Du lịch nông thôn phát triển đã mang đến nhiều lợi ích, không chỉ giúp người nông dân công việc ổn định với mức thu nhập gấp nhiều lần so với hoạt động nông nghiệp mà điều quan trọng đã giúp cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ, gìn giữ, trở nên trong lành, tươi đẹp".

Để đẩy mạnh loại hình du lịch này phát triển, thời gian qua, HTX Du lịch sinh thái Vân Long đã tuyên truyền cộng đồng dân cư có diện tích đất, có nhu cầu làm du lịch tập hợp lại để tạo thành chuỗi liên kết du lịch. Theo đó, du khách đến đây sẽ được tìm hiểu các nét văn hóa của người dân bản địa, trải nghiệm các hoạt động với người nông dân như bắt cua, bắt ốc, trồng rau, gặt hái… Mô hình này đã phát huy tính cộng đồng của người dân, các thành viên trong HTX cùng nhau san sẻ trách nhiệm, cùng làm, cùng hưởng, tránh tình trạng tranh chấp khách và xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, nghĩa tình.

Ninh Bình hội tụ nhiều yếu tố về lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, ẩm thực, văn hóa đa dạng... Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với những tiềm năng đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương trong tỉnh. Xu hướng này không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt mà còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của quá trình phát triển kinh tế và mức độ đô thị hóa đang diễn ra ở các địa phương.

Nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp khai thác du lịch đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Minh Đường

Cần sự kết nối chặt chẽ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, du lịch nông thôn sẽ "lên ngôi" sau đại dịch COVID-19. Tại hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh lạm phát tăng, chi tiêu cá nhân hạn chế, khách du lịch sẽ tìm đến những nơi giá rẻ, có cảnh quan tự nhiên, gần gũi. Thế nên trong thời gian tới, du lịch nông nghiệp sẽ có sức hút mạnh mẽ đặc biệt với khách quốc tế. Nhưng việc thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng vùng miền, các sản phẩm mới, lạ khiến du lịch nông thôn chưa thực sự tạo được điểm nhấn, cạnh tranh với các nước có nền du lịch phát triển.

Đồng nhất với quan điểm này, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch nông nghiệp cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn vùng miền hoặc có tính mới, lạ, hấp dẫn. Lấy ví dụ từ thành công của những sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định: "Thành công đầu tiên là đưa vào trồng thử nghiệm vườn hoa hướng dương ở Khánh Thiện, sau đó là hỗ trợ trồng sen Nhật tại các xã du lịch của huyện Hoa Lư, mới gần đây nhất là vườn nho Hạ đen, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đã góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác cho người dân.

Theo tính toán tại các mô hình này, nguồn lợi thu được từ việc bán vé, bán nông sản cho du khách đến tham quan cao gấp nhiều lần so với hoạt động canh tác nông nghiệp hay mua bán đơn thuần. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lựa chọn và đưa vào các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, đặc hữu, chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, muốn phát triển du lịch nông nghiệp bài bản cần sự kết nối chặt chẽ của du lịch và nông nghiệp với những kế hoạch, chiến lược dài hơi. Từ những định hướng đó, hai ngành Du lịch và Nông nghiệp của tỉnh rất chú trọng đến hoạt động liên kết, hợp tác này, song cần thực hiện hiệu quả, thường xuyên để giúp cho hộ dân phát triển từ những dịch vụ đơn giản như tham quan trang trại, nhà vườn thành kỳ nghỉ vùng quê trong tương lai…

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin: Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, có định hướng, phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền, nỗ lực khai thác những giá trị của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc. Trước mắt, chỉ đạo các đơn vị tập trung phát triển các tour du lịch gắn với các hoạt động trải nghiệm du lịch tại các khu, điểm du lịch, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư, nâng cao chất lượng các hoạt động trải nghiệm, phối hợp với ngành Nông nghiệp đưa các sản phẩm OCOP để phục vụ du khách…

Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/du-lich-nong-thon-tiem-nang-lon-khong-the-bo-lo/d20221230082324763.htm