Du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng hiện có

Định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 đã xác định phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đóng góp rất thấp cho nền kinh tế và chưa thật sự trở thành 'mũi nhọn' như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong các vùng trọng điểm nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh chưa đạt yêu cầu.

Ý kiến cử tri

Liên kết để cùng phát triển du lịch là một giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung, đa dạng hóa, tạo ra sức hấp dẫn chung cho các sản phẩm du lịch của các vùng, các địa phương. Nhờ đó sẽ tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến du lịch, thúc đẩy lượng khách đến. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đảm nhiệm và thực hiện tốt vai trò “nhạc trưởng” trong xây dựng quy hoạch, hoạch định chính sách, cơ chế thúc đẩy, tạo mối liên kết, phối hợp cùng phát triển du lịch của vùng và giữa các vùng trong toàn quốc.

PHẠM VĂN TÚ
(Phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng)

Còn thiếu hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cho công nhân

Tại các địa phương, việc phát triển công nghiệp, các thiết chế về văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ người lao động còn thiếu và yếu, dẫn đến đời sống tinh thần hạn chế, khiến một bộ phận người lao động tại các nhà trọ dễ nảy sinh ức chế tâm lý, dễ bột phát mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày; đôi khi lạc lối dẫn đến mê tín dị đoan. Tại các địa phương phát triển mạnh khu kinh tế, khu công nghiệp, cần bố trí hợp lý quỹ đất để xây dựng công trình hạ tầng nhằm tăng cường hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp cần quan tâm hơn nữa đến lực lượng công nhân lao động, có giải pháp cụ thể nhằm tạo ra những sân chơi bổ ích cho công nhân sau giờ làm việc vất vả.

VŨ ĐỨC TIẾN
(Khu phố 3, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Chú trọng phát triển vận tải thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời các đại biểu về những yếu kém của hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ra nguyên nhân là do kết cấu nền đất của vùng yếu cho nên tỷ suất đầu tư cao so với vùng miền khác trong khi vốn lại ít. Tôi cho rằng đây chỉ là nguyên nhân khách quan, đúng nhưng chưa đủ mà phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ ngành và lãnh đạo bộ. Nhiều công trình giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL mặc dù được bố trí đủ vốn nhưng tiến độ vẫn chậm, kéo dài. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL có lợi thế lớn về giao thông vận tải thủy với hệ thống sông, kênh, rạch đa dạng. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được chú trọng phát triển. Hiện nay, tại các bến thủy nội địa, năng lực bốc xếp hạn chế, các cầu bắc qua sông, rạch thấp, độ thông thuyền nhỏ làm giảm khả năng vận tải thủy.

Bộ Giao thông vận tải cần sớm đầu tư mở thêm tuyến giao thông thủy nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh nhằm phá thế độc đạo giao thông thủy hiện có thường hay ách tắc tại kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) để hàng hóa lưu thông thông suốt. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải quan tâm phát triển vận tải đường biển, cảng biển nước sâu để vận chuyển hàng nông sản với khối lượng lớn để tăng sức cạnh tranh; có cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai… khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống các cảng thủy nội địa, gắn với dịch vụ logistics nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông vùng với các vùng miền khác.

HÀ MINH HÙNG
(Khu vực 3, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Tăng cường giám sát, xử phạt vi phạm giao thông bằng công nghệ

Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật An toàn giao thông, tai nạn giao thông ngày càng tăng. Nguyên nhân một phần là do lực lượng chức năng tuần tra, giám sát thiếu và không thể có mặt trên các tuyến đường trong suốt 24 giờ mỗi ngày. Do đó, việc áp dụng công nghệ để giám sát trên các tuyến đường, phạt nguội hành vi vi phạm giao thông là rất cần thiết và sớm tăng cường. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát trên những tuyến đường chính, những điểm “đen” về giao thông, tuy nhiên vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Việc thu tiền phạt còn khó khăn, nhiều trường hợp người vi phạm không phải chủ phương tiện, phương tiện vi phạm ở các địa phương khác lưu thông trên địa bàn, người vi phạm cố tình không nộp phạt…

Chúng tôi đồng tình với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đó là cần sớm bổ sung luật, nghị định, chế tài để các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả việc giám sát giao thông bằng công nghệ, phạt nguội người vi phạm giao thông. Nhất là phải có chế tài thu tiền phạt, những đối tượng không có điều kiện tài chính hoặc cố tình không nộp phạt cần có chế tài xử lý nghiêm.

VŨ HOÀI NAM
(Tổ 6, phường Minh Khai, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)

Còn nhiều hạn chế trong liên kết giao thông đô thị

Bài toán về quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông đô thị hiện nay đã được Bộ Giao thông vận tải và các cấp chính quyền vào cuộc cùng triển khai. Bức tranh giao thông đô thị hiện nay tại nhiều nơi đã có bước phát triển rất nhiều so với trước đây, đóng góp vào sự phát triển chung của từng địa phương và nâng cao ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc trước mắt mà chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là có sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển chung cho các địa phương và hệ thống hạ tầng, kỹ thuật cho giao thông đô thị. Việc bố trí các tuyến đường, trạm dừng đối với hệ thống xe buýt tại các đô thị lớn chưa phù hợp, gây lãng phí. Những bất cập này diễn ra tại nhiều địa phương, đô thị lớn trên cả nước. Để giải bài toán này, cần có chiến lược quy hoạch phát triển giao thông bài bản, phù hợp giữa lợi ích của các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, văn minh và các lĩnh vực giao thông khác như: cảng biển, hàng không, đường sắt, các trung tâm logistics, đầu mối trung chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ đô thị lớn.

LÊ THỊ NAM PHƯƠNG
(Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Công khai, minh bạch và giám sát các dự án BOT giao thông

Các công trình giao thông đầu tư bằng hình thức BOT khi hoàn thiện đã giúp thay đổi phần nhiều diện mạo giao thông trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các công trình BOT đã lộ rõ không ít bất cập, xuất phát từ sự chưa minh bạch về công tác đấu thầu, nguồn vốn đầu tư, thời gian thu hồi vốn, đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân... Ngoài ra, hàng loạt hạn chế, bất cập đã được các cơ quan liên quan giám sát, nêu rõ sai phạm của chủ đầu tư các trạm BOT như, tài chính không minh bạch, làm thất thoát doanh thu, thậm chí trốn thuế; kể cả chất lượng một số công trình BOT thi công yếu kém, Do vậy, Bộ Giao thông vận tải cần khắc phục ngay những bất cập, bất hợp lý. Đối với những dự án BOT có dấu hiệu không minh bạch, Nhà nước cần tổ chức thanh tra, kiểm toán và công bố công khai kết quả, nếu có dấu hiệu tiêu cực phải xử lý theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành chức năng cần chủ động, tạo điều kiện và tăng cường vai trò giám sát đối với hoạt động của các trạm thu.

LÊ THANH HÙNG
(Đường Tân Mỹ, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP Hồ Chí Minh)

Nhiều bất cập trong quản lý thị trường bất động sản

Qua nghe Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội, tôi thấy vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý thị trường bất động sản, cụ thể là phát triển quỹ đất tại các địa phương. Hiện nay, nhiều tỉnh chú trọng phát triển quỹ đất nhằm tăng nguồn thu và đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng cao. Đây cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư. Từ thực tế đó, có dấu hiệu trục lợi trong đầu tư vào thị trường bất động sản. Cụ thể là, sau khi các cơ quan nhà nước đầu tư hạ tầng các khu đất ở rồi đưa ra đấu giá, một số doanh nghiệp trúng thầu hàng loạt lô đất với giá cao rồi tự ý thay đổi tên dự án, hoặc “vẽ” ra dự án riêng với nhiều hạng mục hấp dẫn để nâng giá bán gấp nhiều lần so với giá gốc ban đầu. Cũng có một số nhà đầu tư sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư quỹ đất theo hình thức xã hội hóa thì mới chỉ giải phóng mặt bằng đã rao bán đất nền kiểu “lúa non”. Lại có trường hợp doanh nghiệp “sang tay” cho nhau khiến cho nhiều khu vực hoang vu, mênh mông cát trắng hoặc đầm lầy bỗng chốc được đẩy giá lên hàng tỷ đồng một thửa liền kề, trong khi nhiều người có nhu cầu thật sự lại không thể mua nổi. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý thị trường bất động sản, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực này.

NGUYỄN VĂN HỮU
(Bắc Lý, Đồng Hới, Quảng Bình)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40443302-du-lich-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang-hien-co.html