Du lịch Quảng Bình 'đỏ mắt' tìm lao động
Các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt sau dịch Covid-19
Mặc dù mới khai trương nhưng nhà hàng Hava đã trở thành địa chỉ thú vị ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi đây, dịch vụ ăn uống cùng lúc có thể phục vụ 1.000 khách tham quan, thưởng thức các món ăn đặc sản, chụp hình lưu niệm... Mới ra đời, nhưng điều làm khó cho chủ cơ sở này không phải là xây dựng thương hiệu, điểm đến trong lòng du khách mà là vấn đề nhân sự.
Thiếu người giỏi nghề
Ông Lê Lợi, chủ nhà hàng Hava, cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết nhân viên phục vụ của điểm tham quan, nhà hàng phải nghỉ việc. Khi du lịch tái khởi động thì khâu tuyển dụng hướng dẫn viên, đầu bếp, phục vụ bàn rất khó khăn, dù yêu cầu đặt ra không phải quá cao nhưng đến nay vẫn "đỏ mắt" để tìm.
"Cái khó của mỗi mùa du lịch là tuyển dụng. Ngoài một số ít nhân sự gắn bó nhiều năm thì năm nào chúng tôi cũng phải tuyển thêm người. Để đáp ứng cho công việc nhanh nhất, chúng tôi phải tổ chức đào tạo cấp tốc. Nhưng cứ 2, 3 tháng thì nhiều người lại nghỉ, phải tuyển dụng tiếp!" - ông Lợi nói.
Ông M., một chủ khách sạn cao cấp ở TP Đồng Hới, tỏ ra lo ngại khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch nhưng việc tuyển thêm nhân viên phục vụ cho gần 100 phòng khách sạn rất khó khăn, dù khách sạn chi trả mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng nhưng ít người mặn mà công việc này.
"Cứ đà này vào mùa du lịch chắc tôi cũng phải treo băng-rôn trước cổng để thông báo tuyển dụng" - ông M. cho biết.
Tại TP Đồng Hới và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, do thiếu nhân lực, nên vào mùa cao điểm du lịch, các doanh nghiệp (DN) phải linh động hợp đồng thời vụ với các cộng tác viên, sinh viên, học sinh của các trường trên địa bàn. Đội ngũ này sẵn có nhưng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm du lịch còn hạn chế.
Theo Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay có hơn 10 DN kinh doanh du lịch lớn trên địa bàn thông qua sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm gần 530 vị trí việc làm, chủ yếu là các vị trí bếp, buồng phòng, lễ tân... Thông qua các kênh, mạng xã hội, các DN du lịch cũng tăng tốc tìm kiếm nhân sự, tập trung đào tạo để kịp đón mùa du lịch cao điểm.
Không đáp ứng được nhu cầu thực tế
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, hiện ngành du lịch của tỉnh có hơn 6.000 lao động trực tiếp và gần 12.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trong lĩnh vực lưu trú du lịch chiếm chủ yếu với hơn 4.000 người. Tiếp đến là lực lượng lao động làm việc tại các khu, tuyến, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Trong số này, có đến 30% lao động chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện nhân lực du lịch trong tỉnh cũng như cả nước tuy đã tăng về số lượng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch… Khi vào mùa cao điểm, nhân lực du lịch bị thiếu hụt trầm trọng.
"Nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao. Hệ thống cơ sở đào tạo về du lịch còn ít, mối liên hệ giữa nhà nước - nhà trường - người sử dụng lao động vẫn rời rạc, chưa bài bản" - ông Lực nhìn nhận.
Theo ông Lực, để hỗ trợ đội ngũ người làm du lịch sau 2 năm dịch bệnh và chuẩn bị cho các kế hoạch đón khách sắp tới, cùng với khóa cập nhật kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên, Sở Du lịch sẽ tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng phục vụ buồng, bar, đào tạo kỹ năng vận tải khách du lịch... Bên cạnh cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lao động du lịch, sở cũng chú trọng tập huấn các khâu tuyển dụng để giải quyết việc làm.
Ông Cao Xuân Tiến, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Nhật Lệ khu vực Quảng Bình, cho rằng để giải "cơn khát" lao động có tay nghề, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng cho nhân viên tại khách sạn và chủ động liên kết với Trường CĐ Kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình tổ chức 4 lớp đào tạo nghề trong ngành du lịch, gồm: pha chế đồ uống; quản trị khách sạn; tiếng Anh giao tiếp trong du lịch và khách sạn; vi tính văn phòng nhằm giúp họ nâng cao tay nghề hoặc chuyển đổi nghề. Với thời gian đào tạo 3 tháng, các khóa học đã thu hút 122 học viên tham gia.
Khắc phục tình trạng "yếu và thiếu"
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, thời gian qua, trường đã tập trung chú trọng đào tạo các ngành nghề du lịch, nhất là các nghề trọng điểm, như: kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào của các nghề trọng điểm này vẫn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng "yếu và thiếu" của nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về công tác đào tạo, quản lý nhân lực du lịch cho các cơ sở. Đồng thời, các cơ sở dịch vụ du lịch tăng cường đào tạo chuyên sâu, có môi trường làm việc chuyên nghiệp và những chính sách đãi ngộ tốt với người lao động.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/du-lich-quang-binh-do-mat-tim-lao-dong-2022040818512692.htm