Du lịch Quảng Bình, Quảng Trị thiếu 'sản phẩm đêm'
Giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch tổng hợp, nhưng Quảng Bình và Quảng Trị vẫn chưa thể phát triển thành công sản phẩm 'du lịch đêm' nhằm níu chân du khách.
Khan hiếm sản phẩm du lịch đêm
Du lịch Quảng Bình tăng trưởng mạnh, với lượng du khách hàng năm luôn đạt 3-4 triệu lượt người trong những năm gần đây chủ yếu do địa phương này sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Tuy vậy, có một thực tế buồn là du lịch Quảng Bình hiện vẫn thiếu các hoạt động, sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, có thể níu chân du khách.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình thừa nhận thực trạng khan hiếm sản phẩm du lịch đêm và cho biết, những năm trước, Quảng Bình có giao TP. Đồng Hới thí điểm xây dựng mô hình phố đi bộ tại khu vực đường Đông Hải và đường Phan Bội Châu dọc sông Cầu Rào, đoạn đổ ra sông Nhật Lệ. Tuy vậy, mô hình này chưa thực sự hiệu quả. Sau thời gian ngắn triển khai, các hoạt động trên phố đi bộ gần như tạm ngừng vì ít khách. Cũng theo ông Kỳ, gần đây, một số đơn vị lữ hành trên địa bàn cũng mở thêm dịch vụ câu cá, câu mực ban đêm ven biển Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), nhưng sản phẩm còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thu hút được đông đảo du khách.
Tại Quảng Trị, những năm qua, ngành du lịch tại địa phương này tập trung vào sản phẩm tham quan nghỉ dưỡng biển, các tour trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng vùng núi và đặc biệt là sản phẩm du lịch “thăm lại chiến trường xưa”. Song cũng như Quảng Bình, du lịch Quảng Trị chỉ tập trung hoạt động vào một số tháng cao điểm mùa hè.
Điều đáng nói là, ngay trong những tháng cao điểm đó, Quảng Trị cũng không có nhiều hoạt động du lịch đêm. Phần lớn hoạt động chỉ diễn ra lẻ tẻ ở một vài điểm tại TP. Đông Hà, như Công viên Fidel, Công viên Lê Duẩn, khu chợ đêm phường 3, phường 2, khu trung tâm văn hóa tỉnh, hay một số hội chợ thương mại quốc tế… Các hoạt động này khá đơn điệu, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống và đóng cửa khá sớm. Riêng khu chợ đêm chỉ hoạt động được thời gian ngắn, sau đó phải tạm ngừng.
Gần đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã thí điểm tour du lịch về đêm tại Thành cổ Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải..., nhưng cũng chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Cần có những giải pháp đồng bộ
Nhận rõ điểm yếu về sản phẩm du lịch đêm, mới đây, Quảng Trị đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xây dựng Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Dự thảo, Quảng Trị sẽ mở rộng và đa dạng hóa thêm các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật đêm, tăng số lượng cơ sở lưu trú phục vụ khách lưu trú qua đêm… nhằm thu hút thêm khách và nguồn thu.
Kinh phí triển khai thực hiện Đề án dự kiến khoảng 14.796 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa; trong đó ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Nam khẳng định, Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng, thuận lợi, vì vậy cần có giải pháp để triển khai một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
“Trước mắt, cần tập trung thực hiện tại những địa điểm đã có hình ảnh, thương hiệu tốt như TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa)... Sau đó, mỗi địa phương nghiên cứu triển khai các hoạt động đặc thù, phù hợp tình hình thực tế để đa dạng hóa loại hình du lịch; xem xét đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm”, ông Hoàng Nam nhấn mạnh.
Đối với Quảng Bình, đề án xây dựng tuyến phố đi bộ đã được UBND tỉnh giao UBND TP. Đồng Hới triển khai. Bên cạnh việc vận hành kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách, phố đi bộ, còn có các hoạt động nghệ thuật đường phố và chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ. Tuy đó là đề án khá hợp lý, nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình đánh giá, các sản phẩm dịch vụ tại phố đi bộ chưa đa dạng, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Nguyên nhân là do chưa thu hút được hộ kinh doanh và doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Quý, để phát triển kinh tế đêm thì cần có hạ tầng du lịch đồng bộ, như các cơ sở lưu trú, resort, khách sạn; các nhà hàng, khu vui chơi giải trí hấp dẫn... Muốn có được điều này, thì bên cạnh chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, cần có sụ tham gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp với chiến lược cụ thể.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho biết: “Tỉnh cần có chính sách đột phá, tạo cú hích để kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, Quảng Bình cần hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp, có vậy, doanh nghiệp mới vào cuộc và nghĩ ra các sản phẩm du lịch cụ thể, hấp dẫn”.
Cũng theo ông Kỳ, bên cạnh phố đi bộ tại TP. Đồng Hới, ngành du lịch Quảng Bình có thể nghiên cứu triển khai tuyến phố đêm mới tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch), bởi đây là khu vực thu hút đông khách nước ngoài đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty du lịch Netin thì cho rằng, ngành du lịch Quảng Bình cần có thêm sản phẩm lễ hội gắn với các hoạt động dã ngoại, cắm trại vào ban đêm. “Đây là những sản phẩm mà khách du lịch khá ưa chuộng, đã được triển khai tại nhiều nơi như Phú Quốc, Hội An…”, ông Cương nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-lich-quang-binh-quang-tri-thieu-san-pham-dem-d205852.html