Du lịch Tây Bắc và vai trò kết nối của Lào Cai

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các tỉnh trong khu vực Tây Bắc đã cùng bắt tay để tạo ra những sản phẩm đặc thù, độc đáo nhằm thu hút du khách và thúc đẩy du lịch phát triển.

Được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vỹ, đặc trưng về địa hình, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng, Tây Bắc còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc sắc. Cùng với đó là những di tích lịch sử - văn hóa, tạo cho vùng đất này nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Phát huy lợi thế, các tỉnh Tây Bắc đã cùng liên kết để khai thác hiệu quả du lịch vùng.

Thực tế cho thấy, liên kết là xu hướng tất yếu để phát triển nhanh và bền vững trên mọi lĩnh vực, du lịch cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Liên kết vùng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù và độc đáo, góp phần thu hút và chia sẻ khách du lịch giữa các tỉnh trong khu vực. Việc liên kết vùng giúp các địa phương phát huy hết thế mạnh, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao và bền vững. Liên kết vùng còn góp phần tạo ra lợi thế về quy mô, tiết kiệm các chi phí trong quảng bá, tổ chức các tour du lịch, cũng như đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí đào tạo... Đồng thời, hạn chế tính cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng, làm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch.

Liên kết vùng trong phát triển du lịch là một trong những sáng kiến hiệu quả của tỉnh Lào Cai, khởi đầu với Chương trình du lịch “Về cội nguồn”. Đó là những tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng thúc đẩy du lịch 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ phát triển, trở thành hình mẫu phát triển du lịch liên vùng. Tiếp nối thành công đó, năm 2008, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được UBND 8 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu) ký kết tại Lào Cai đã mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc, góp phần xây dựng, hình thành nền tảng hợp tác giữa các tỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đến đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ.

Dựa trên những thỏa thuận, hợp tác được ký kết, các tỉnh đã xây dựng một số chương trình du lịch độc đáo để khai thác lợi thế đặc trưng của các địa phương, như tour du lịch trải nghiệm dọc sông Đà (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu); tour du lịch hành trình khám phá, trải nghiệm ruộng bậc thang Tây Bắc; tour du lịch vòng cung Tây Bắc; du lịch cộng đồng Tây Bắc; chợ phiên vùng cao; tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ); chương trình du lịch dấu chân huyền thoại - khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử; tour du lịch “chinh phục đỉnh cao”; tour du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”…

Bên cạnh liên kết, các tỉnh đã đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và khác biệt. Cụ thể, tỉnh Điện Biên phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; tỉnh Phú Thọ khai thác giá trị của 2 di sản được UNESCO công nhận là “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; tỉnh Hà Giang quảng bá sản phẩm Cao nguyên đá Đồng Văn; tỉnh Lào Cai xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; tỉnh Hòa Bình nâng cao chất lượng Khu Du lịch Mai Châu; tỉnh Sơn La phát triển Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu… nhằm đem đến nhiều sản phẩm cho du khách trải nghiệm, khám phá.

8 tỉnh Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh.

8 tỉnh Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chương trình liên du lịch 8 tỉnh Tây Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng kết nối với các trung tâm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đánh giá cao và phát huy hiệu quả, trong đó Lào Cai luôn được biết đến với vai trò trung tâm kết nối. Việc liên kết phát triển du lịch liên vùng đã góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Lào Cai nói riêng và các địa phương tham gia liên kết nói chung phát triển nhanh trong giai đoạn 2016 - 2019, thúc đẩy du lịch sớm phục hồi sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Số liệu tổng hợp từ các tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đón hơn 8,1 triệu lượt khách du lịch, chiếm khoảng 13,5% tổng lượt khách trong cả nước. Trong đó, Lào Cai vẫn là tỉnh top đầu khu vực với 1,8 triệu lượt, tiếp đến Sơn La (1,6 triệu lượt), Hòa Bình (1,5 triệu lượt), Hà Giang (1,1 triệu lượt), Yên Bái (gần 806.000 lượt), Phú Thọ (hơn 739.000 lượt), Điện Biên (331.000 lượt) và Lai Châu (hơn 187.000 lượt). Đây là những con số chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Tây Bắc sau đại dịch nhờ một phần hiệu quả từ liên kết vùng. Để có những hiệu quả đó, không thể không nhắc đến vị trí, vai trò kết nối của tỉnh Lào Cai.

Đánh giá về vị trí, vai trò của Lào Cai trong mối liên kết phát triển du lịch liên vùng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương, chuyên gia quy hoạch du lịch cho rằng, Lào Cai nằm ở điểm đầu vào Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuận lợi trong liên kết phát triển du lịch với khu vực và quốc tế. Du lịch Lào Cai giai đoạn 2016 - 2019 phát triển vượt bậc một phần nhờ làm tốt việc liên kết vùng, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục phát huy thế mạnh này trong giai đoạn tới.

Với mong muốn tất cả các địa phương cùng hành động, ngành du lịch Lào Cai liên tục triển khai xúc tiến nối lại, mở rộng các liên kết phát triển du lịch đã được xác lập trước đó, như khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp, du lịch biển với các trung tâm du lịch lớn trong nước (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh…); tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để khai thác tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc. Liên kết với thành phố Luang Prabang (Lào), Chiềng Mai (Thái Lan) phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt. Nối lại hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để khai thác hiệu quả sản phẩm tour du lịch kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến” và Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua - hai quốc gia”; tiếp tục ký kết, thực hiện hợp tác phát triển du lịch với vùng Novelle Aquitaine - Cộng hòa Pháp… nhằm thu hút thêm khách du lịch đến với Lào Cai và Tây Bắc.

“Lào Cai sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, trung chuyển khách du lịch, tạo sự bổ trợ, hỗ trợ giữa các địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Chúng tôi mong các địa phương tích cực, nghiêm túc tham gia liên kết liên vùng để xây dựng những tour, tuyến du lịch thực sự chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu của du khách và cùng nhau phục hồi, phát triển nhanh, bền vững”, ông Hà Văn Thắng cho biết.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359841-du-lich-tay-bac-va-vai-tro-ket-noi-cua-lao-cai