Du lịch Thanh Hóa có cần báo ngoại vinh danh?
Không phải Hà Nội, TP.HCM hay Khánh Hòa, Thanh Hóa là nơi ghi nhận doanh thu du lịch cao nhất trong một số mùa cao điểm. Kết quả này không bất ngờ, theo Sở VHTTDL tỉnh.
"Thanh Hóa đứng đầu du lịch cả nước dịp 30/4", "Thanh Hóa 'thắng lớn' dịp 2/9" hay "Biển Sầm Sơn, Hải Tiến 'vỡ trận'"... là một số tiêu đề truyền thông trong nước viết về Thanh Hóa sau các mùa cao điểm du lịch nội địa của năm 2022, 2023 và 2024.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hóa cho biết kết quả nêu trên hoàn toàn nằm trong dự đoán của tỉnh dựa trên cơ sở tài nguyên và văn hóa.
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, Thanh Hóa là điểm đến "quốc dân" dành cho hoạt động team building khu vực miền Bắc. Lượng khách đổ về đây phần lớn từ Hà Nội (chủ yếu thông qua cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45), Ninh Bình, Sơn La, Nam Định,...
Đáng chú ý, xứ Thanh là địa phương hiếm hoi không nhận được nhiều sự ca ngợi từ báo chí nước ngoài, nhưng lại thu về lượng khách và doanh thu "khủng" nếu so sánh với các điểm du lịch nổi tiếng trong nước.
Thậm chí, dòng khách nội địa đổ về xứ Thanh luôn đông đảo, bất chấp xu hướng du lịch quốc tế của khách Việt thời gian qua.
Thấy gì từ kết quả?
Năm 2022 đánh dấu sự thay đổi cục diện ngành du lịch nội địa khi đại dịch Covid-19 vừa kết thúc, kéo theo sự đổi mới trong xu hướng lựa chọn nơi dừng chân của du khách. Khi đó, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Măng Đen (Kon Tum) và Pù Luông (Thanh Hóa) là những điểm đến "chữa lành" ghi nhận lượng khách nội đông đảo.
Tuy nhiên, cho đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, chỉ còn Thanh Hóa trụ vững trên đường đua thu hút du khách và doanh thu nội địa.
Cụ thể, dịp 30/4 - 1/5 năm 2022, Thanh Hóa ghi nhận tổng 898.000 lượt khách, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2021; vượt trội so với lượng khách tại Nghệ An và Hà Nội, theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa.
Đến năm 2023, Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu về lượng khách ghé thăm vào cả dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 với gần 1,2 triệu lượt khách. Con số ngoạn mục này đẩy tổng thu du lịch của Thanh Hóa từ 1.960 tỷ đồng (vào dịp 30/4 - 1/5/2022) lên gần 2.800 tỷ đồng, tăng 48,3%.
Đáng chú ý, lượng khách đổ về điểm đến ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng mạnh, bất chấp thời tiết có mưa vào 2 ngày nghỉ đầu. Nổi bật là TP Sầm Sơn đón 850.000 lượt khách và thị xã Nghi Sơn đón 78.200 lượt khách.
Cũng trong năm này, địa phương tiếp tục "thắng lớn" vào dịp lễ 2/9 với 328.600 lượt khách. Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn "gánh" lượng khách du lịch của tỉnh với 184.300 lượt khách, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa, Bãi Đông cũng ghi nhận lương khách tăng đáng kể.
1,5 triệu lượt khách vào dịp 30/4-1/5 năm 2024 giúp Thanh Hóa 3 lần liên tiếp đứng đầu danh sách hút khách du lịch bậc nhất dịp lễ này.
Với những con số ấn tượng nêu trên, dịp lễ 2/9 năm nay, Phó Giám đốc VHTTDL tỉnh kỳ vọng đón khoảng 450.000 lượt khách, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ngoài khu du lịch Sầm Sơn, tỉnh còn kỳ đặt nhiều tự tin với các khu, điểm du lịch khác như: biển Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông, Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, điểm du lịch Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, Vườn Quốc gia Bến En, Thác Mây,... Đây đều là các điểm đến có lượng khách du lịch ổn định từ trước, song vài năm trở lại đây được du khách đặc biệt quan tâm và khám phá", bà Yến nói.
Đâu là lời giải?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa khẳng định sức hút du lịch của địa phương đến từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên, về yếu tố thiên nhiên, bà Vương Thị Hải Yến cho rằng việc sở hữu một loạt bãi biển chính là lợi thế lớn của tỉnh.
Theo đó, các kỳ nghỉ lễ kéo dài thường rơi vào mùa hè, thời tiết nắng nóng và ít mưa. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch biển. Thanh Hóa sở hữu đến 4 khu du lịch biển bao gồm Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa - Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn) và Tiên Trang (huyện Quảng Xương). Những điểm đến này đều thu hút lượng khách đông đảo đổ về giải nhiệt, tạm xa đô thị ngột ngạt.
Ngoài ra, hạ tầng giao thông tỉnh đã hoàn thành, nhất là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, QL 10, đường ven biển, đường kết nối các khu điểm du lịch trong tỉnh.
Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, xu hướng đi du lịch bằng phương tiện ôtô và tàu hỏa cũng vì thế tăng lên. Nhờ đó, Thanh Hóa là lựa chọn phù hợp với cung đường và thời gian cho thị trường khách các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc bộ và các tỉnh miền Trung.
Chưa kể, ngoài tuyến cao tốc, Thanh Hóa còn có cảng hàng không Thọ Xuân, đường sắt Bắc - Nam. Đây lợi thế để thu hút khách du lịch các tỉnh phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên.
Tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái tại các huyện miền núi. Tuyến đường ven biển cũng tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận các khu du lịch nghỉ dưỡng biển của tỉnh.
Trong tương lai không xa, Thanh Hóa kỳ vọng có thể khai thác tốt cảng biển nước sâu Nghi Sơn để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng đường biển.